128 nước thúc đẩy Công ước toàn cầu về thủy ngân

Chương trình Môi trường LHQ kêu gọi các nước và tổ chức quốc tế hành động kiên quyết để đạt được Công ước toàn cầu về thủy ngân.
Ngày 2/7, tại thành phố Punta del Este của Uruguay, hơn 500 đại biểu từ 128 nước, các tổ chức liên chính phủ, các tổ chức phi chính phủ và các đối tác khác đã bắt đầu phiên thương lượng thứ tư nhằm thúc đẩy Công ước toàn cầu về thủy ngân.

Các lĩnh vực thương lượng bao gồm các sản phẩm chứa thủy ngân và các quy trình có sử dụng thủy ngân, cung cấp và buôn bán thủy ngân, khí thải có chứa thủy ngân, lưu kho và chất thải thủy ngân, các nguồn tài chính, trợ giúp kỹ thuật và việc tuân thủ các quy chế liên quan đến thủy ngân….

Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) kêu gọi các nước và các tổ chức quốc tế cần hành động kiên quyết để đạt được Công ước toàn cầu về thủy ngân nhằm thiết lập chế độ năng động và mạnh mẽ để bảo vệ môi trường, giảm đến mức thấp nhất nguy cơ thủy ngân gây hại cho sức khỏe con người thông qua phát triển luật môi trường quốc tế hiệu quả.

Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc đồng thời là Tổng Giám đốc UNEP, Achim Steiner, nhấn mạnh rằng cuộc thương lượng ở Uruguay sẽ thúc đẩy chính phủ các nước thỏa thuận mục tiêu đạt được Công ước toàn cầu về thủy ngân vào năm 2013, góp phần làm giảm nguy cơ phơi nhiễm chất độc này tới hàng triệu người, thúc đẩy phát triển bền vững và chuyển sang nền kinh tế xanh phổ quát sau Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc về phát triển bền vững (Rio+20).

UNEP đã công bố các nguyên tắc hướng dẫn thực tiễn về các phương pháp và kỹ thuật giảm sử dụng thủy ngân và sử dụng chất thay thế không thủy ngân trong khai thác vàng thủ công.

Nguyên tắc này cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà khai thác mỏ và xã hội dân sự các kỹ thuật sẵn có để giảm và cuối cùng là loại trừ sử dụng thủy ngân trong khai thác vàng thủ công, giảm nguy cơ đối với sức khỏe con người và môi trường.

UNEP nêu rõ rằng khai thác vàng thủ công hiện cung cấp tới 20% sản lượng vàng của thế giới là vấn đề phát triển phức tạp tạo ra nhiều thách thức và cơ hội đối với ít nhất 70 nước trên thế giới. Đây cũng là lĩnh vực có nhu cầu sử dụng thủy ngân lớn nhất trên toàn cầu.

Số lượng thủy ngân thải vào môi trường từ khai thác vàng thủ công đã lên tới 1.400 tấn năm 2011. Nếu không có giải pháp thích hợp, với lượng thủy ngân thải vào môi trường ngày càng tăng hiện nay, con người và môi trường sẽ đối mặt với hiểm họa lâu dài về chất độc thủy ngân đầu độc hệ thần kinh.

Hội đồng vàng khai thác thủ công ước tính từ 12-15 triệu người ở 70 nước trên thế giới liên quan đến khai thác vàng thủ công hiện đang đứng trước hiểm họa này.

Công ước toàn cầu về thủy ngân sẽ là công cụ pháp lý quốc tế quan trọng mở ra cơ hội đảm bảo hành động quy mô nhỏ như khai thác vàng thủ công cũng phải được thực hiện theo các tiêu chuẩn an toàn và bền vững./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục