13 triệu tấn chất thải rắn ra môi trường mỗi năm

Tại Việt Nam, tổng lượng chất thải rắn thải ra môi trường mỗi năm là 12,8 triệu tấn, trong khi đó, tỷ lệ thu gom rác thải trung bình chỉ đạt 80%.
Theo thống kê, tại Việt Nam, tổng lượng chất thải rắn thải ra môi trường mỗi năm là 12,8 triệu tấn, trong đó chỉ tính riêng các đô thị loại IV trở lên chiếm tới 54%.

Trong khi đó, tỷ lệ thu gom rác thải trung bình chỉ đạt 80%, trong đó số được tái chế là 10% còn hầu hết rác thải được xử lý bằng phương pháp chôn lấp.

Bộ Xây dựng cho biết, tiến trình đô thị hóa nhanh và dòng người ngày càng tập trung về các đô thị khiến Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn trong việc đảm bảo vệ sinh môi trường, nhất là tại khu vực đô thị.

Để giải quyết vấn đề này, thời gian gần đây việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn đô thị đã được xã hội hóa mạnh mẽ. Điển hình là nhiều doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư xây dựng các cơ sở xử lý chất thải rắn với công nghệ phù hợp đã được nghiên cứu và áp dụng thành công ở tại Việt Nam.

Đáng chú ý là một số công nghệ như tái chế chất thải; chế biến rác thành phân vi sinh, thành nhiên liệu đốt cho các làng nghề; đốt phát điện; thu gom khí gas trong các bãi chôn lấp rác để phát điện.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Cao Lại Quang cho biết, việc áp dụng các công nghệ xử lý chất thải rắn phù hợp không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn giúp tiết kiệm đất đai, giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.

Hiện nay, nhiều dự án đầu tư xây dựng công trình xử lý chất thải rắn với công nghệ mới tại các địa phương đã được cấp “Chứng chỉ giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính” (CER) thông qua Cơ chế phát triển sạch (CDM).

Cũng theo Thứ trưởng Cao Lại Quang, nước thải trong đô thị cũng là những thách thức không nhỏ. Chỉ tính riêng Hà Nội, tổng lượng nước thải là 500.000m3 mỗi ngày, trong khi đó chỉ có 8 - 10% được xử lý thông qua 4 nhà máy xử lý nước thải với tổng công suất 48.000m3/ngày.

Vì vậy, ngoài những nỗ lực tìm kiếm nguồn lực để xây dựng, cải tạo hệ thống thu gom và xử lý nước thải trong các đô thị, Việt Nam phải tiếp tục nghiên cứu và áp dụng những giải pháp công nghệ hiệu quả, phù hợp.

Hiện nay, một số giải pháp công nghệ hiệu quả để xử lý nước thải tập trung hoặc phân tán đang được triển khai ở các đô thị và khu công nghiệp thông qua các dự án đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách, vốn hỗ trợ phát triển ODA và vốn của các doanh nghiệp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục