14 tỉnh vẫn chưa triển khai điều trị cai nghiện bằng Methadone

Cả nước hiện có 46 tỉnh, thành phố đã triển khai điều trị Methadone nhưng có 14 tỉnh đã được giao chỉ tiêu điều trị nhưng vẫn chưa thực hiện như Lâm Đồng, Đắk Lắk, Bình Phước, Cà Mau, Gia Lai...
14 tỉnh vẫn chưa triển khai điều trị cai nghiện bằng Methadone ảnh 1Các đại biểu cắt băng khánh thành Cơ sở cấp phát thuốc Methadone Bản Ngoại, Thái Nguyên ngày 21/7. (Ảnh: Lan Anh/TTXVN)

Đại diện Cục Phòng, chống HIV (Bộ Y tế) cho biết cả nước hiện có 46 tỉnh, thành phố đã triển khai điều trị Methadone với 170 cơ sở, tăng 15 tỉnh và 37 cơ sở so với cuối năm 2014.

Chương trình hiện điều trị cho hơn 31.100 bệnh nhân, đạt 38% chỉ tiêu, tăng hơn 6.600 bệnh nhân so với cuối năm ngoái.

Mười tỉnh đạt chỉ tiêu cao là Lai Châu 88%, Hưng Yên 78%, Hải Phòng 76%, Nam Định 73%, Long An 72%, Hà Tĩnh 68%, Thừa Thiên-Huế 63%, Quảng Ninh 60%, Bến Tre 56% và Thái Nguyên 53%.

Tuy nhiên, hiện nay, nhiều tỉnh/thành phố có số người nghiện ma túy cao nhưng chỉ tiêu điều trị Methadone đạt được còn rất thấp (dưới 30%) như Thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An, Sơn La.

Đặc biệt, 14 tỉnh được giao chỉ tiêu điều trị nhưng vẫn chưa điều trị gồm Lâm Đồng, Đắk Lắk, Bình Phước, Cà Mau, Gia Lai, Vĩnh Long, Kiên Giang, Bạc Liêu, Hậu Giang, Ninh Thuận, Sóc Trăng, Đắc Nông, Bình Định và Quảng Ngãi; trong đó có bốn tỉnh chưa hoàn thành công tác chuẩn bị điều trị gồm Bình Phước, Hậu Giang, Bình Định, Quảng Ngãi.

Đại diện Cục Phòng, chống HIV/AIDS nhấn mạnh nguyên nhân của thực trạng này là do các tỉnh/thành phố còn chưa thực sự quan tâm chỉ đạo, đôn đốc việc triển khai chương trình Methadone, chưa ưu tiên bố trí nguồn lực cần thiết để triển khai và mở rộng điều trị (như cơ sở vật chất, trang thiết bị, cán bộ, kinh phí vận hành...), thủ tục hành chính tiếp nhận điều trị vẫn khó khăn.

Nhiều người nghiện tham gia các chương trình cai nghiện tự nguyện hoặc cai nghiện bắt buộc khác của địa phương; các tỉnh, thành phố lớn chưa chủ động mua thuốc Methadone trong nước. Bên cạnh đó, tỷ lệ duy trì điều trị Methadone còn hạn chế do người nghiện sống xa địa điểm Methadone, phải duy trì điều trị hàng ngày hoặc đi làm ăn xa...

Việc mở các điểm điều trị mới Methadone gặp nhiều khó khăn do thiếu nhân lực, khó khăn tiếp cận dịch vụ điều trị ở các khu vực vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt, trong khi nguồn lực suy giảm thì các chỉ tiêu phòng, chống HIV/AIDS vẫn duy trì tăng cao.

Trước tình hình trên, Bộ Y tế đã tích cực huy động các nguồn viện trợ để mua thuốc Methadone, mua trang thiết bị để cấp cho các địa phương triển khai điều trị Methadone; hỗ trợ kỹ thuật, kiểm tra, giám sát và đôn đốc các địa phương trong việc mở rộng điều trị Methadone.

Bộ Y tế đã cấp phép cho ba công ty sản xuất thuốc Methadone trong nước, bao gồm Công ty cổ phần dược phẩm Trung ương Vidipha; Công ty cổ phần dược Danapha; Công ty cổ phần dược phẩm Hà Tây. Từ năm 2013, Bộ Y tế đã mua thuốc sản xuất trong nước với giá rẻ hơn thuốc nhập khẩu từ 20-30%.

Các viện, trường trực thuộc Bộ Y tế cũng thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về Methadone cho các địa phương, hỗ trợ về chuyên môn cho các cơ sở điều trị.

Thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục ban hành Thông tư quản lý thuốc Methadone; hướng dẫn tổ chức điểm cấp phát thuốc Methadone; mở rộng triển khai và lồng ghép các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS tại Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tuyến tỉnh, như tư vấn xét nghiệm, điều trị ARV, Methadone.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục