15 đảng bộ tỉnh, thành phố trên cả nước đã hoàn thành đại hội

Theo Ban Tổ chức Trung ương, tính đến hết ngày 25/9/2015, cả nước đã có 16 đảng bộ (15 đảng bộ tỉnh, thành phố và Đảng bộ Quân đội) đã đại hội xong.
15 đảng bộ tỉnh, thành phố trên cả nước đã hoàn thành đại hội ảnh 1Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Cần Thơ lần thứ XIII. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Theo Ban Tổ chức Trung ương, tính đến hết ngày 25/9/2015, cả nước đã có 16 đảng bộ (15 đảng bộ tỉnh, thành phố và Đảng bộ Quân đội) đã đại hội xong. 15 đảng bộ tiến hành đại hội đủ 4 nội dung, riêng Đảng bộ Quân đội thực hiện 3 nội dung (không bầu ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư... mà để chỉ định).

Trong 15 đảng bộ tỉnh, thành phố (miền Bắc 9 tỉnh, miền Trung-Tây Nguyên 3 tỉnh, miền Nam 3 tỉnh, thành phố) đã có kết quả bầu cử ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư: Tổng số ủy viên ban chấp hành được bầu là 804 người (thiếu 2 người so với quy định); trong đó Lào Cai bầu thiếu 1 người, Ninh Thuận bầu thiếu 1 người. Năm đại hội đảng bộ tỉnh có kết quả bầu tỷ lệ nữ trong Ban chấp hành đạt không dưới 15% (Ninh Bình, Lào Cai, Sơn La, Bắc Ninh và Cần Thơ), trong đó Sơn La có tỷ lệ nữ trong ban chấp hành cao nhất đạt 21,82%. Có duy nhất đảng bộ Lào Cai có tỷ lệ trẻ đạt không dưới 10% (11,54%).

Tổng số ủy viên ban thường vụ được bầu là 225 người (thiếu 5 người); trong đó Hà Nam thiếu 1 người; Đắk Nông thiếu 1 người; Bắc Ninh, Sơn La và Khánh Hòa mỗi địa phương thiếu 1 người (do chủ trương bầu thiếu để bổ sung cán bộ trẻ hoặc nữ). Điều đáng mừng là tỷ lệ nữ tham gia trong ban thường vụ 15 đảng bộ đạt khá cao, trong đó Hà Nam và Sơn La đạt mức cao nhất là 14,29%. Tổng số bí thư được bầu là 15 người (đủ). Tổng số phó bí thư được bầu là 34 người (thiếu 1, ở Hà Nam do chuẩn bị phương án quá tuổi chưa được duyệt).

Nhìn chung, tại đại hội, các đảng bộ đã tiến hành đúng quy trình công tác nhân sự theo quy định, hướng dẫn của Trung ương và có sáng tạo phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương, đơn vị mình và đã thành công tốt đẹp.

Các Đảng bộ đã đề ra được Nghị quyết, trong đó có nhiều điểm mới đột phá về phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng và xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.

Công tác nhân sự được thực hiện đúng quy trình, kết quả bầu cử đều đúng phương án nhân sự đã được chuẩn bị kỹ. Cán bộ diện Trung ương quản lý đều có tín nhiệm cao (đa số đạt trên 95%). Kết quả bầu cơ bản đúng theo dự kiến của Ban chấp hành khóa cũ báo cáo với Bộ Chính trị; không có người nào ứng cử, đề cử ngoài danh sách đề cử của ban chấp hành khóa cũ. Kết quả bầu bí thư, phó bí thư đều đạt tín nhiệm cao.

Về những tồn tại, hạn chế cần rút kinh nghiệm, tại một số đại hội, công tác tuyên truyền chưa được chú trọng. Việc thảo luận tham gia vào văn kiện thiếu tính tranh luận, chưa dành thời gian thỏa đáng để thảo luận Dự thảo văn kiện của Trung ương. Mặc dù Trung ương chỉ đạo chuẩn bị nhân sự rất sớm, có đại hội vẫn không chuẩn bị đủ nhân sự theo yêu cầu, vẫn có một số đại hội phải bầu thiếu nhân sự cấp ủy kể cả phó bí thư.

Theo yêu cầu của Bộ Chính trị và hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương, kết quả thực hiện tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ và cơ cấu 3 độ tuổi một số đại hội không đạt. Phân tích nguyên nhân cho thấy, chủ yếu là các đơn vị địa phương này chưa thật sự đầu tư thích đáng cho công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ trẻ, cán bộ nữ, từ đó chưa đủ mạnh dạn, tự tin để cơ cấu vào các vị trí có thể bầu trúng trong đại hội. Sắp tới, các địa phương cần làm tốt công tác chuẩn bị như đào tạo, bồi dưỡng từ sớm, bố trí, sắp xếp nhân sự trẻ, nữ vào các vị trí chủ chốt để rèn luyện, thử thách, để có quá trình công tác và có hiệu quả.

Từ kết quả của 15 đại hội của các đảng bộ trực thuộc Trung ương, trong thời gian tới, khi tổ chức Đại hội, các Đảng bộ cần phải quán triệt sâu sắc các chỉ đạo của Trung ương, Chỉ thị 36 và hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương về nhân sự và linh hoạt sáng tạo trong điều kiện cụ thể.

Về công tác chuẩn bị văn kiện, các đại hội cần thống nhất trình bày báo cáo chính trị toàn văn hay trình bày báo cáo tóm tắt; tăng cường nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận (giảm tham luận) nhất là những vấn đề mới, vấn đề khó, những vấn đề có tính đột phá.

Về công tác chuẩn bị nhân sự, các địa phương cần bổ sung kịp thời những nhân sự thiếu theo đúng nguyên tắc, quy trình, tạo được sự đồng thuận của cấp ủy, trong Đảng và nhân dân.

Về công tác bầu cử, cần phổ biến quy chế bầu cử, phiếu hợp lệ, không hợp lệ (còn phiếu không hợp lệ); tránh tình trạng phải làm lại phiếu bầu do lỗi kỹ thuật

Về công tác điều hành đại hội, các đảng bộ cần có kịch bản; phân công nhiệm vụ các cán bộ trong Đoàn Chủ tịch Đại hội một cách hợp lý; điều hành thông suốt và chặt chẽ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục