15 năm hành trình thầm lặng của Đội quy tập mộ liệt sỹ K93

15 năm với những chuyến đi băng rừng lội suối đầy gian khổ, lặn lội đến hàng trăm ngàn phum, sóc nơi đất bạn Campuchia, Đội K93 đã tìm thấy và đưa về quê hương 1.546 hài cốt liệt sỹ.
15 năm hành trình thầm lặng của Đội quy tập mộ liệt sỹ K93 ảnh 115 năm qua, Đội K93 đã tìm thấy và đưa 1.546 hài cốt liệt sỹ về đất Mẹ. (Ảnh: Vương Thoại Trung/TTXVN)

Mười lăm năm với những chuyến đi băng rừng lội suối đầy gian khổ, hiểm nguy nơi đất bạn Campuchia, 67 cán bộ, chiến sỹ Đội K93 (Đội chuyên trách trong việc tìm kiếm, cất bốc và hồi hương hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh qua các thời kỳ chiến tranh trên đất bạn Campuchia thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh An Giang) vẫn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thầm lặng đưa các anh về đất Mẹ .

Đại tá Đinh Văn Cứng, Chính trị viên Đội K93 cho biết, Đội K93 được thành lập vào cuối năm 2000 với 67 biên chế. 15 năm qua, để tìm và đưa 1.546 liệt sỹ trở về quê hương, Đội K93 đã hành quân đến cả trăm ngàn phum, sóc; đào hàng chục nghìn mét khối đất, đá ở tỉnh Takeo, Kampong Speu và Koh Kong (Vương quốc Campuchia).

Mỗi năm, đội chia làm hai đợt vào mùa khô để tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trên đất bạn Campuchia. Mỗi chuyến đi ít nhất cũng ngót nghét 4 tháng, từ đầu tháng 11 đến rằm tháng Chạp mới về nước, chuẩn bị đón Tết Nguyên đán. Đến khoảng mùng 10 Tết, tất cả anh em trong đội lại tiếp tục lên đường.

Số lượng hài cốt liệt sỹ của Quân tình nguyện Việt Nam trên đất bạn Campuchia hiện nay còn tương đối nhiều, nằm rải rác ở các địa bàn như Treang Tro Yeung, Cáp Konl, núi Ki Ri Rum, Ô Cà Quyết, Brây Ta Cui, Pot Manl, Pot Sa Lanh, núi Sa La, Brây, Khmui, núi An Chao...

Trong điều kiện tài liệu, thông tin về nơi chôn cất các liệt sỹ của Việt Nam rất thiếu và ít; bản đồ thời chiến sai lệch với bản đồ hiện nay, công việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ ở giữa mênh mông núi rừng Campuchia hết sức gian nan.

Với quyết tâm tìm và đưa được các liệt sỹ về quê Mẹ, anh em trong đội K93 luôn trăn trở phải làm sao tìm càng nhanh càng tốt, chứ để kéo dài là địa hình thay đổi nhiều sẽ không thể xác định được vị trí.

"Đội chia làm hai nhóm, mỗi nhóm nhiều tổ, mỗi tổ khoảng ba người để có thể đào được nhiều điểm cùng lúc với hy vọng tìm được nhiều hơn chứ nếu tập trung thì chỉ đào nhanh nhưng không nhiều điểm, xác suất tìm được sẽ thấp hơn," Đại tá Đinh Văn Cứng nói.

Không chỉ có ít thông tin, thời tiết vào mùa khô ở nước bạn Capuchia rất khắc nghiệt, anh em chiến sỹ phải đối mặt với cái nắng nóng, thiếu nước ở giữa rừng sâu thăm thẳm trên đất bạn là một điều rất khó vượt qua.

Nhắc lại những kỷ niệm của những tháng mùa khô thiếu nước, Đại tá Phạm Quang Trung, Đội trưởng K93 kể: "Từ thị xã Takeo đi quận Poset khoảng 250km phải mất hơn 4 giờ mới tới được 2 xã Pong và Tua Sala (quận Poset, tỉnh Kampong Speu, Campuchia) nơi mà Đội K93 An Giang (Việt Nam) và Đội Chuyên trách tỉnh Kampong Speu (Campuchia) từng phối hợp tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam.

Sáu tháng mùa khô tìm kiếm là chừng ấy thời gian cán bộ, chiến sỹ K93 ăn rừng, ngủ võng, hồ nước chùa Pong là chỗ dựa của cả hai đội. Để vào được rừng Moda, núi Pnhia Kung, núi Et Tung… nơi tìm hài cốt liệt sỹ còn phải đi bộ hơn một giờ đồng hồ nữa, anh em trong đội vẫn nỗ lực vượt qua vì mục đích tìm cho được những người đồng đội đang nằm ở đâu đó ngoài kia."

Ông Sen Kam Sanl (Đồn trưởng Cảnh sát Kaplux, quận Poset, tỉnh Kampong Speu, Campuchia) cho biết: "Để đi vào tận sâu trong núi sẽ gặp rất nhiều khó khăn; đó là chưa nói đến chuyện đào , cuốc, tìm kiếm hài cốt, thu thập thông tin mộ chí, bởi cảnh vật, núi rừng hoàn toàn thay đổi, khác hẳn so với hồi chiến tranh. Tôi là người sở tại, nhận dạng còn không ra, vậy mà Đội K93 không ngại khó, ngại khổ, kiên trì thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng, kỳ vọng đem tin tức cho nhiều gia đình từ ở Việt Nam đang ngày đêm mong chờ."

Với những người lính K93, phút giây thiêng liêng, hạnh phúc nhất là lúc tìm thấy hài cốt liệt sỹ. Thượng úy Nguyễn Văn Tam, trợ lý chính sách Đội K93 nói: "Tụi em mỗi khi đào đúng vị trí là hô vang cả rừng. Mọi người đều cẩn trọng từng mũi xẻng, nhát cuốc, cẩn trọng nhặt từng mẩu xương, chiếc cúc áo, cây bút, chiếc võng, chiếc nón, ống bi... Những kỷ vật dù nhỏ nhất cũng được anh em cố gắng tìm và gói ghém cẩn thẩn, ai nấy đều mừng rơi nước mắt, bởi lại có thêm một liệt sỹ chuẩn bị được trở về quê hương đất Mẹ thân yêu."

Mười lăm năm làm công việc quy tập, tìm kiếm và hồi hương các liệt sỹ, Đội K93 đã đưa hàng nghìn liệt sỹ hồi hương và còn có nhiều việc làm giúp khác thắt chặt mối quan hệ hữu hảo giữa hai dân tộc Việt Nam và Campuchia.

Tại các nơi đóng quân, các anh đã tổ chức khám chữa bệnh và cấp thuốc cho hàng trăm lượt người, sơ cứu những ca bệnh nặng và cứu đói cho người dân nước bạn… Đáp lại những việc làm đầy nghĩa tình ấy, người dân Campuchia đã không quản ngại băng rừng, vượt suối dẫn đường, giúp các anh hoàn thành nhiệm vụ.

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện còn hơn 4.000 hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh trên đất bạn Campuchia và còn thông tin mộ liệt sỹ Việt Nam đang tiếp tục được tìm kiếm.

Thượng tá Lê Văn Thắng, Đội phó K93 chia sẻ: "Công việc các anh đang làm là công việc rất đỗi nặng nề nhưng vô cùng vinh quang. Các liệt sỹ được yên lòng trên đất Mẹ nhiều chừng nào, anh em trong Đội thấy hạnh phúc nhiều chừng ấy"./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục