1.500 tỷ đồng cho đầu tư xây dựng cầu Sài Gòn 2

Cầu Sài Gòn 2 nối liền quận Bình Thạnh và Quận 2, TP.HCM, có tổng chiều dài 987,32 m, gồm 30 nhịp, tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng.
Ngày 14/4, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã phát lệnh khởi công Công trình xây dựng cầu Sài Gòn 2, nối liền quận Bình Thạnh và Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh do Công ty Cổ phần đầu tư hạ tầng kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (CII) làm chủ đầu tư.

Tại lễ khởi công, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh việc khởi công cầu Sài Gòn 2 vừa đáp ứng hoàn thiện cơ sở hạ tầng của Thành phố Hồ Chí Minh, nhất là ở khu vực cửa ngõ phía Đông Bắc, vừa tạo nền tảng cho thành phố phát triển nhanh hơn, mạnh hơn nữa trong thời gian tới; đồng thời, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân thành phố lo lắng cho sự quá tải của cầu Sài Gòn hiện hữu.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị đây là công trình có tuổi thọ 100 năm nên các đơn vị chủ đầu tư, thi công cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện các quy trình xây dựng, thiết kế, giám sát hết sức chặt chẽ, đảm bảo chất lượng cũng như mỹ quan công trình.

Theo ông Lê Vũ Hoàng, Tổng giám đốc CII, cầu Sài Gòn 2 có tổng chiều dài 987,32 m, gồm 30 nhịp, mặt cắt ngang cầu là 23,5 m, tải trọng thiết kế HL-93. Đường đầu cầu phía quận Bình Thạnh dài 350m, phía Quận 2 dài 117m. Tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng. Thời gian thiết kế và hoàn thiện công trình là 21 tháng.

Theo thiết kế, cầu Sài Gòn 2 nằm song song và cách cầu Sài Gòn hiện hữu 3m, nằm ở phía hạ lưu sông Sài Gòn, phía quận Bình Thạnh nối với đường Điện Biên Phủ và phía quận 2 nối với Xa lộ Hà Nội.

Cầu Sài Gòn nằm trên trục giao thông huyết mạch là cửa ngõ phía Đông Bắc của Thành phố Hồ Chí Minh, nối liền với các tỉnh miền Đông Nam bộ, miền Trung và miền Bắc. Hiện nay, lưu lượng xe lưu thông qua cầu Sài Gòn hiện hữu đã quá tải với khoảng 40.000 lượt xe qua cầu mỗi ngày, vượt quá khả năng thông hành của cầu tạo nên điểm ùn tắc thường xuyên trên tuyến.

Việc xây dựng mới cầu Sài Gòn 2 là nhiệm vụ cấp bách nhằm giảm tải cho cầu Sài Gòn hiện hữu, giải tỏa ùn tắc giao thông, nâng cao năng lực giao thông tại cửa ngõ phía Đông Bắc, đảm bảo tính đồng bộ với quy mô của tuyến Xa lộ Hà Nội sau khi được mở rộng, phù hợp theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội Thành phố Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam./.

Hoàng Anh Tuấn (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục