150.000 công nhân biểu tình gây tê liệt giao thông tại Australia

Khoảng 150.000 công nhân đã đổ ra các đường phố ở trung tâm thành phố Melbourne, bang Victoria của Australia để tham gia cuộc biểu tình đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc.
150.000 công nhân biểu tình gây tê liệt giao thông tại Australia ảnh 1Công nhân tham gia biểu tình. (Nguồn: smh.com.au)

Sáng 23/10, khoảng 150.000 công nhân đã đổ ra các đường phố ở trung tâm thành phố Melbourne, bang Victoria của Australia để tham gia cuộc biểu tình đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc.

Cuộc biểu tình lớn của công nhân mang tên “Thay đổi các quy định," bắt đầu từ 10 giờ 30, đã khiến gần như toàn bộ hệ thống giao thông công cộng, cũng như một số tuyến đường ở trung tâm Melbourne bị tê liệt. Chỉ còn một vài tuyến tàu điện hoạt động hạn chế ở một số khu vực và hệ thống tàu điện ngầm không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, người dân được khuyến cáo sử dụng phương tiện này để thay thế, nên dự báo cũng ở trong tình trạng quá tải. Cuộc biểu tình dự kiến kết thúc chiều cùng ngày.

[Australia trở thành quốc gia thứ tư chính thức phê chuẩn CPTPP]

Bà Sally McManus, Thư ký Hội đồng Các nghiệp đoàn Australia (ACTU), cho biết những người làm công ăn lương ở Australia đang yêu cầu thay đổi các quy định về việc làm và cuộc biểu tình này chủ yếu nhằm buộc Thủ tướng Scott Morrison và các chính trị gia liên bang Australia phải lắng nghe.

Theo bà, so với xu hướng phát triển chung của xã hội, mức lương hiện nay lại thụt lùi, các gia đình công nhân đang phải vật lộn với cuộc sống khi giá sinh hoạt ngày một leo thang.

Bà nói: “Rõ ràng không công bằng khi lợi nhuận của các công ty luôn gia tăng, mức thưởng của các CEO cũng tăng, trong khi mức lương trung bình của công nhân lại không tăng. Chúng ta cần một hệ thống cân bằng hơn để người công nhân được hưởng mức tăng lương công bằng.”

Dự kiến, hàng nghìn công nhân cũng hưởng ứng tham gia cuộc biểu tình này ở một số thành phố lớn khác của Australia như Sydney và Wollongong, thuộc bang New South Wales, thành phố Cairns và Townsville, thuộc bang Queensland và thành phố Darwin ở Vùng Lãnh thổ Bắc Australia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục