16 ý tưởng tăng trưởng bền vững đoạt giải sáng tạo

16 ý tưởng vì công bằng xã hội và tăng trưởng bền vững nhận giải thưởng Ngày Sáng tạo Việt Nam 2011 đã được WB tại Việt Nam công bố.
Ngày 15/6, tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Công bố 16 ý tưởng vì công bằng xã hội và tăng trưởng bền vững của các đơn vị, doanh nghiệp trong nước nhận giải thưởng Ngày Sáng tạo Việt Nam 2011.

Ngày Sáng tạo Việt Nam 2011 do Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát động từ tháng 3/2011. Đến nay, Ban tổ chức đã nhận được 332 đề án dự thi, trong đó có 36 đề án được lọt vào vòng chung khảo.

Các đề án tham dự cuộc thi tập trung chủ yếu vào ba chủ đề: Sử dụng năng lượng hiệu quả; Thuốc thảo mộc cổ truyền; Sản phẩm và dịch vụ nông nghiệp.

Dựa trên các tiêu chí về khả năng đóng góp cho chủ đề công bằng xã hội và tăng trưởng bền vững, tính sáng tạo, tính khả thi, tính bền vững và sự tham gia của cộng đồng, gần 8,5 tỷ đồng được Ban tổ chức trao cho 16 ý tưởng, mỗi ý tưởng được nhận tối đa 630 triệu đồng.

Phát biểu tại lễ Công bố giải thưởng, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam ông Deepak Mishra nhấn mạnh sự tham gia của cộng đồng và các hoạt động của Chương trình Ngày Sáng tạo Việt Nam, cho thấy sự cam kết mạnh mẽ của người dân, chính phủ, các nhà tài trợ và các tác nhân khác trong việc sáng tạo để cải thiện cuộc sống của người dân Việt Nam, đặc biệt là người nghèo và người không được tiếp cận đầy đủ đến các dịch vụ công. Các ý tưởng được nhận giải sẽ được ứng dụng vào thực tiễn nhằm mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân.

Hầu hết các ý tưởng được nhận giải đều được đánh giá cao về khả năng sáng tạo, tính khả thi và có tác động lớn đến cộng đồng như phổ cập bơm nước không dùng nhiên liệu phục vụ cho đồng bào miền núi (Trung tâm Cơ điện nông nghiệp và Ngành nghề nông thôn); Thiết bị hẹn giờ tự bật tắt theo giờ mặt trời (Công ty Cổ phần TechPal); Mở rộng tái chế chi phí thấp theo hướng sinh thái chất thải làng nghề (Công ty trách nhiệm hữu hạn phân bón Bảo Lâm); Biến rác thải thành tài nguyên cơ bản cho cuộc sống ngay tại địa phương (Hợp tác xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái)...

Đặc biệt, ý tưởng của đề án "Xây dựng bộ nhận diện cây thuốc Củ mài và vị thuốc Hoài Sơn (Công ty Cổ phần Traphaco) đã được Ban tổ chức đánh giá cao về hiệu quả của đề án, góp phần xây dựng bảo tồn tài nguyên cây thuốc Hoài Sơn và cây thuốc Củ Mài. Đây là vị thuốc được sử dụng nhiều trong y học cổ truyền và công nghiệp dược, do đó việc xây dựng bộ nhận diện chính là tiền đề để phát triển cây thuốc theo tiêu chuẩn quốc tế, từng bước đưa dược liệu Việt Nam hội nhập cùng thế giới./.

Nguyễn Hồng Điệp (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục