170 thí sinh, 5 giám thị bị kỷ luật trong thi đợt 2

Trong đợt thi đại học thứ hai này, có 170 thí sinh bị xử lý vì vi phạm kỷ luật phòng thi, chủ yếu vẫn do sử dụng điện thoại di động và mang tài liệu vào phòng thi.

Sáng 10/7, hơn 623.700 thí sinh tại gần 23.900 phòng thi trên cả nước đã kết thúc môn thi cuối cùng của đợt II kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2009.

Tuy đây là đợt thi thứ 2 kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2009 và các lỗi vi phạm đã được nhắc nhở rất nhiều lần nhưng vẫn có 170 thí sinh bị xử lý vì vi phạm kỷ luật phòng thi, lỗi chủ yếu vẫn do sử dụng điện thoại di động và mang tài liệu vào phòng thi.

Do được tập huấn nhiều lần và ngay trước khi bước vào đợt II kỳ thi tuyển sinh  cùng với việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đã gửi công điện khẩn tới các Hội đồng thi đề nghị nghiêm túc nhắc nhở giám thị cẩn trọng hơn trong công tác coi thi ,nên số giám thị vi phạm bị xử lý trong đợt 2 giảm hẳn so với đợt thi đầu tiên (4 - 5/7).

Trong đợt 2, chỉ có 5 giám thị bị xử lý kỷ luật, trong đó không có giám thị nào mắc lỗi mang điện thoại vào phòng thi - lỗi mà các giám thị trong đợt thi đầu tiên vẫn mắc phải. Có 2 trường hợp giám thị bị khiển trách do mở đề sớm 5 phút; 2 trường hợp bị đình chỉ do phát đề chậm 13 phút và 1 trường hợp bị đình chỉ do làm việc riêng. So với cùng kỳ năm 2008, số thí sinh và giám thị bị xử lý kỷ luật đã giảm gần 1 nửa.

Ngoài việc nhắc nhở giám thị, thí sinh không mang tài liệu, điện thoại vào khu vực thi, nhiều trường còn áp dụng các biện pháp khác nhau để đảm bảo kỷ luật kỳ thi như Đại học Y yêu cầu giám thị bỏ điện thoại vào hộp riêng có khoá, Đại học Sư phạm Hà Nội dán các tờ ghi chú “lỗi vi phạm hay mắc” ngay trên các phòng thi, Học viện Báo chí và Tuyên truyền sử dụng hệ thống camera theo dõi để có thêm “giám sát vòng ngoài” rất đặc biệt.

Ngoài ra, ở ngay cổng trường có các sinh viên tình nguyện, giám sát và cảnh sát nhắc nhở thí sinh bỏ tài liệu, điện thoại ngay từ ngoài địa điểm thi.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Dưong Xuân Ngọc, Phó Giám đốc Học viện, việc sử dụng camera không những hỗ trợ công tác coi thi mà còn tích cực hoá ý thức cho thí sinh cũng như giám thị. Thí sinh sẽ không còn ý nghĩ mang tài liệu đi “dự phòng” để “nếu trông thi dễ thì sử dụng”. Do vậy, trong ngày thi đầu tiên trường chỉ có duy nhất 1 trường hợp mang điện thoại vào phòng thi và đã lập tức bị đình chỉ thi.

Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Ngô Kim Khôi cho biết, cho tới chiều 10/7, đề thi các môn khối B, C, D chưa có bất kỳ phản ánh gì về việc sai sót nội dung và hình thức, đảm bảo an toàn, bí mật tuyệt đối. Nội dung thi bám sát chương trình và sách giáo khoa trung học phổ thông, đảm bảo yêu cầu chung của đề thi tuyển sinh đại học, phù hợp với thời gian làm bài và phân loại thí sinh.

Đề thi một số môn như Sinh, Sử... được thí sinh đánh giá là dài, tuy nhiên, theo đánh giá của một số giáo viên dạy chuyên ngành thì việc đề dài cũng chính là hạn chế bớt việc thí sinh sức học tốt làm chưa hết thời gian và có thể nhắc bài cho người khác.

Đề thi năm nay được dư luận đánh giá cao về cách ra đề mới mẻ ở nhiều môn. Theo thầy giáo Nguyễn Văn Hiền, Đại học Sư phạm Hà Nội, đề thi môn Sinh năm nay khó hơn so với các năm trước nhưng lại có khả năng phân loại tốt, chọn lọc được thí sinh có sức học khá, thực sự hiểu bài, không để tình trạng thí sinh chỉ cần chăm chỉ “học gạo” cũng có thể làm được bài./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục