18 năm thành lập và sứ mệnh còn dang dở của Liên minh châu Phi

Dù vậy, bất chấp những khả năng và quyền lực mới, Liên minh châu Phi sau 18 năm cũng chưa thể thoát khỏi bóng dáng của một diễn đàn chỉ để phát biểu và thảo luận.
18 năm thành lập và sứ mệnh còn dang dở của Liên minh châu Phi ảnh 1Hàng xuất khẩu tại cảng Luanda (Angola). (Ảnh: Phi Hùng/TTXVN)

Trang mạng dw.com ngày 8/7 đăng bài phân tích về Liên minh châu Phi sau 18 năm thành lập với nhiều nhiệm vụ còn dang dở.

Ngày 9/7 đánh dấu 18 năm kể từ khi Liên minh châu Phi (AU) được thành lập với mục tiêu giúp đưa châu Phi trở thành ốc đảo hòa bình và phát triển. Tuy nhiên, giấc mơ của AU về một lục địa như vậy hiện vẫn còn xa vời.

Liên minh châu Phi được thành lập năm 2002 để thay thế Tổ chức Đoàn kết châu Phi (OAU).

Tổ chức tiền thân OAU được đánh giá là đã không giải quyết được nhiều vấn đề của lục địa, bao gồm giảm nghèo đói và yếu kém về kinh tế, cũng như chính sách không can thiệp vào các vấn đề của các quốc gia thành viên. Danh tiếng duy nhất OAU có được là một diễn đàn để phát biểu, thảo luận.

Trong bối cảnh đó, tổ chức kế nhiệm AU được trang bị các cơ chế hành chính mạnh mẽ hơn, có sức mạnh can thiệp lớn hơn và một lực lượng vũ trang để can thiệp nhân đạo.

[Châu Phi vẫn là thị trường tiềm năng của Việt Nam bất chấp đại dịch]

Dù vậy, bất chấp những khả năng và quyền lực mới, Liên minh châu Phi sau 18 năm cũng chưa thể thoát khỏi bóng dáng của một diễn đàn chỉ để phát biểu và thảo luận, có chăng là kèm theo tính chất phức tạp hơn so với Tổ chức Đoàn kết châu Phi tiền nhiệm.

Chưa được như kỳ vọng

Việc thành lập Liên minh châu Phi (AU) là một cột mốc quan trọng và được ca ngợi trên khắp lục địa châu Phi - với hy vọng AU sẽ phát triển thành một tổ chức khu vực đáng tự hào.

Tuy nhiên, AU đã trải qua 18 năm thành lập và người dân châu Phi dường như vẫn không chắc chắn về tương lai của tổ chức này.

Điều này xuất phát từ thực tế là dù đã 18 tuổi song AU vẫn trong trạng thái chưa trưởng thành và dường như đang bị mắc kẹt.

Minh chứng rõ ràng nhất hiện nay là AU không thể ủng hộ một ứng cử viên duy nhất của lục địa đảm nhận vị trí đứng đầu Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), hoặc thậm chí cho việc bầu ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đại diện cho chính châu Phi gần đây.

Thiếu hụt nguồn tài chính

Trải qua nhiều năm, các nhà lãnh đạo châu Phi đã nhóm họp tại trụ sở AU ở Addis Ababa, Ethiopia, để thảo luận về những thách thức, cam kết và triển vọng tương lai của lục địa này.

Tuy nhiên, các nghị quyết do Liên minh châu Phi thông qua phần lớn phụ thuộc vào nhà tài trợ châu Âu và hiếm khi những nghị quyết này được thực hiện bởi nhiều dự án có chi phí quá lớn.

Để giải quyết vấn đề đó, vài năm trước, AU đã thành lập Ủy ban cải cách do Tổng thống Rwanda Paul Kagame đứng đầu, nhằm tìm ra các biện pháp giúp châu Phi tài trợ cho các hoạt động của lục địa như gìn giữ hòa bình.

Nhiều nhà quan sát đã hy vọng các nhà lãnh đạo châu Phi sẽ ủng hộ cho những khuyến nghị của Ủy ban cải cách được đề cập trong báo cáo vốn được biết đến với tên gọi “Báo cáo Kagame,” song ngoài việc Hiệp định thương mại tự do lục địa châu Phi (AfCTA) đã được 49/55 quốc gia thành viên AU ký kết, mức độ hiện thực hóa các khuyến nghị còn lại hầu như không đáng kể.

Báo cáo của Ủy ban cải cách đã đề xuất một khoản đóng góp nhỏ bằng 0,2% tổng kim ngạch xuất khẩu từ các quốc gia thành viên AU, song một số nước cho rằng khoản đóng góp đó nên mang tính tự nguyện thay vì bắt buộc.

Xung đột chưa có hồi kết

Liên minh châu Phi đang thực hiện một số nỗ lực hòa bình ở Somalia và khu vực Darfur, Sudan nhưng xung đột giữa các chủ thể phi quốc gia như phiến quân thánh chiến ở phía Bắc Mali và Lưu vực hồ Chad, phe ly khai cộng đồng nói tiếng Anh Ambazonia ở Cameroon và cuộc chiến ở Libya đã biến châu Phi thành một vũ đài xung đột lớn hơn bao giờ hết.

Đạo luật Hiến pháp của Liên minh châu Phi cho phép AU can thiệp trong trường hợp có xung đột nội bộ, chẳng hạn như ở Cameroon và Libya.

Tuy nhiên, mặc dù sáng kiến “Im lặng tiếng súng vào năm 2020” đã được thông qua nhằm tạo ra một châu Phi không xung đột, AU đã thất bại trong việc hiện thực hóa mục tiêu này.

Đặc biệt là ở Libya, nơi xung đột đã dẫn đến sự can dự của các quốc gia khác như Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Nga, AU cần thực sự quan tâm đến sự hiện diện của quân đội các nước trên lục địa.

Có lẽ cho đến lúc này, hạn chế lớn nhất của AU là thất bại trong việc thúc đẩy một vị trí ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đầy quyền lực.

Vị trí ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ giúp châu Phi có vai trò lớn hơn trong các cuộc thảo luận của Liên hợp quốc, bởi nhiều quyết định được đưa ra tại trụ sở của Liên hợp quốc ở New York đã ảnh hưởng xấu đến lục địa này.

Trong khi bàn giao vai trò Chủ tịch AU bốn năm về trước, cố Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe đã kêu gọi cải cách Hội đồng bảo an Liên hợp quốc.

Trong bài phát biểu đầy nhiệt huyết, Chủ tịch AU năm 2015 Robert Mugabe đã chỉ trích Liên hợp quốc một cách gay gắt vì tổ chức quốc tế này tiếp tục thống trị các nước nghèo - bài phát biểu của ông được các đại biểu trong khán phòng nhiệt liệt đứng lên tán thành.

Tuy nhiên, kể từ đó, châu Phi vẫn tiếp tục bị các nước phát triển như Trung Quốc thống trị về kinh tế.

Quan ngại mang tên Trung Quốc

Như đã đề cập ở trên, việc thiếu hụt nguồn tài chính để điều hành Liên minh châu Phi là một điểm nổi cộm đòi hỏi phải khẩn trương khắc phục.

Do các nước phía Nam Sahara châu Phi đang phải vật lộn để xóa đói giảm nghèo, nhiều nước đã chấp nhận những khoản vay lớn từ Trung Quốc và khó có khả năng chi trả.

18 năm thành lập và sứ mệnh còn dang dở của Liên minh châu Phi ảnh 2Phân loại hoa quả xuất khẩu trong một nông trại tại Nam Phi. (Ảnh: Phi Hùng/TTXVN)

Nghĩa là những nước này không còn đủ nguồn lực để đóng góp cho Liên minh châu Phi, khiến AU khó có thể tài trợ cho một số kế hoạch đầy tham vọng của lục địa.

Hơn nữa, Trung Quốc đã tài trợ xây dựng trụ sở mới của AU với số tiền lên tới 200 triệu USD.

Theo các nhà quan sát, Bắc Kinh cũng đã mua được ảnh hưởng trong AU khi cường quốc châu Á này đã vươn “vòi bạch tuộc” và có ảnh hưởng kinh tế ở châu Phi.

Ngoài ra, nhiều nhà lãnh đạo các quốc gia thành viên Liên minh châu Phi mang tính độc đoán và có khoảng cách thế hệ khá xa so với tầng lớp thanh niên đông đảo của lục địa.

Điều này sẽ khiến việc biến chuyển nhằm hướng tới một châu Phi độc lập về kinh tế và một nền dân chủ liên Phi trở nên khó khăn hơn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục