20 năm phát triển, trường ngoài công lập vẫn chật vật

Đã có 20 năm xây dựng và phát triển nhưng đến nay, các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập vẫn chật vật để tuyển sinh, để tồn tại.
“Hai mươi năm xây dựng và phát triển, các trường ngoài công lập đã đóng góp đáng kể cho nền giáo dục nước nhà, nay đã chiếm 1/5 số trường, gần 1/7 số sinh viên cả nước, mà Nhà nước không tốn đồng xu nào. Nhưng rất tiếc, đến nay các trường vẫn chưa được cơ quan quản lý vui vẻ thừa nhận, xã hội chưa vui vẻ hoan nghênh”, giáo sư-tiến sỹ Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học-cao đẳng ngoài công lập, trải lòng. 20 năm vẫn lao đao Sáng nay, ngày 26/9/2013, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập đã  tổ chức Hội nghị đánh giá 20 năm hoạt động các trường thành viên. Loại hình trường đại học, cao đẳng ngoài công lập ra đời từ năm 1988 với trường đầu tiên là Đại học Thăng Long. Đến nay, đã có khoảng 80 trường thuộc hệ thống này. Theo Giáo sư Trần Hồng Quân, các trường đã có những nỗ lực vượt khó khăn, tìm tòi cách đi, cách hoạt động, gánh vác một phần "tải trọng" giáo dục đại học của cả nước, mở rộng cơ hội học đại học, học nghề nghiệp của nhân dân. Ghi nhận những đóng góp của hệ thống này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga cũng khẳng định trong 20 năm qua, các trường đã góp phần rất lớn trong sự nghiệp giáo dục đào tạo. “Trong điều kiện đầu tư của Nhà nước còn rất hạn chế thì xã hội hóa có tác động rất lớn phát triển nhân lực đồng thời góp phần cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước,” Thứ trưởng Ga nói. Tuy nhiên, chặng đường 20 năm của các trường ngoài công lập đang ngày càng gập ghềnh hơn khi số lượng trường nhiều lên, sự cạnh tranh gay gắt hơn và việc tuyển sinh của các trường ngày càng chật vật. Liên tục trong các mùa tuyển sinh gần đây, hàng loạt trường không thể tuyển đủ chỉ tiêu. Không tuyển được sinh viên, không có nguồn thu học phí, nhiều trường đứng trước nguy cơ giải thể.
[Trường công bội thu xét tuyển, trường tư "khóc ròng"]
Bên cạnh nguyên nhân về mức học phí cao hơn trường công lập thì chủ yếu do các trường đã không tạo được uy tín trong lòng người học và xã hội về chất lượng đào tạo và khả năng tìm việc của sinh viên khi ra trường. Giáo sư Trần Phương, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ (Hà Nội) đưa ra ví dụ cụ thể một số trường đã đến nhờ ông cho “mượn” giáo viên để đứng tên trong danh sách giảng viên nhằm “qua mắt” Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cả trường có một giáo sư nên được mời làm hiệu trưởng dù chuyên môn của vị giáo sư đó không liên quan đến ngành học nào. Thừa nhận thực tế này, ông Trần Hồng Quân cho biết: “Không ít trường xảy ra mâu thuẫn về quyền lợi, nảy sinh mất đoàn kết. Ở một số trường, các nhà đầu tư tài chính thuần túy nắm quyền làm chủ hoàn toàn, các nhà giáo, các nhà khoa học trở thành người làm thuê.” Cơ sở vật chất cũng là một thách thức với nhiều trường ngoài công lập khi có trường sau mười mấy năm hoạt động cũng không xây nổi trường, phải thuê mướn.
20 năm phát triển, trường ngoài công lập vẫn chật vật ảnh 1
Thí sinh thi đại học, cao đẳng năm 2013. (Ảnh: TTXVN)
Chờ cơ chế Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga, đang có rất nhiều cơ hội cho các trường ngoài công lập khẳng định chất lượng. Hiện Bộ đang xây dựng khung trình độ quốc gia của Việt Nam phù hợp với khung trình độ của các nước ASEAN. Khi đó, các trường công lập, tư thục đều phải đào tạo theo chuẩn mực chung. Trường đào tạo tốt, người học xong tìm được việc làm sẽ có nhiều người học. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang soạn thảo và trình Chính phủ ban hành nghị định về phân tầng, xếp hạng các trường đại học, cao đẳng. “Phân tầng sẽ không phân biệt trường công lập hay tư thục, miễn là đạt tiêu chí về chất lượng ở tầng nào đấy, và như vậy sẽ tạo được uy tín cho xã hội, sẽ thu hút được học sinh,” ông Ga nói. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Ga, có ba vấn đề lớn của các trường ngoài công lập nên bàn thảo và đưa ra phương pháp xử lý tập trung, đó là cơ chế chính sách, vấn đề tuyển sinh và việc xác định chiến lược để phát triển bền vững. Cụ thể, khó khăn trước mắt và vấn đề lớn nhất của các trường ngoài công lập hiện nay là việc tuyển sinh vì không tuyển được học sinh thì sẽ rất khó khăn trong hoạt động. Thứ trưởng Ga cho biết, về vấn đề tuyển sinh, điểm sàn, Bộ đã lắng nghe Hiệp hội và có điều chỉnh để số lượng học sinh trên điểm sàn dồi dào hơn, nhằm tạo nguồn tuyển cho các trường, nhưng nhiều trường vẫn khó khăn. “Có nhiều trường ngoài công lập đã tạo được uy tín, cạnh tranh tốt với các trường công, thu hút học sinh lớn. Điều đó cho thấy không phải vì vấn đề học phí mà học sinh không vào học mà vì chất lượng. Các trường cần phân tích cụ thể xem nguyên nhân từ đâu,” ông Ga khẳng định. Về lâu dài, Thứ trưởng Ga cho rằng các trường cần bàn bạc để xác định chiến lược phát triển bền vững của trường ngoài công lập. “Hai mươi năm chưa phải là dài nhưng đủ để các trường nhìn lại xem đã phù hợp chưa, cái được và chưa được, làm sao để tiếp tục duy trì và phát triển,” ông Ga nói. Thứ trưởng Ga cũng cho biết, tới đây, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức hội nghị để tổng kết lại 20 năm hoạt động của các trường ngoài công lập đồng thời trình Chính phủ có cơ chế chính sách, sự chỉ đạo kịp thời tạo sự phát triển cho trường ngoài công lập./.
Phạm Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục