2.000 tỷ đồng đào tạo về công nghệ hạt nhân

Theo Dự thảo Đề án Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ hạt nhân vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, Bộ sẽ đầu tư 2.000 tỷ đồng để đến năm 2020 đào tạo được 2.750 nhân lực cho ngành này.

Theo Dự thảo Đề án Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ hạt nhân vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, Bộ sẽ đầu tư 2.000 tỷ đồng để đến năm 2020 đào tạo được 2.750 nhân lực cho ngành này.

Mục tiêu của đề án nhằm đảm bảo về số lượng và chất lượng nhân lực, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển ngành công nghiệp hạt nhân phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ của đất nước.

Theo số liệu khảo sát năm 2008 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện cả nước có 505 cán bộ khoa học và công nghệ hạt nhân có trình độ đại học trở lên; trong đó chỉ có 62 tiến sĩ cho cả 4 lĩnh vực vật lý hạt nhân, vật lý và công nghệ lò phản ứng, hóa học phóng xạ, sinh học phóng xạ.

Đặc biệt, độ tuổi trung bình của các cán bộ trong biến chế là 40, cán bộ có trình độ tiến sĩ có tuổi trung bình là 50. Trong số 12 giáo sư, phó giáo sư thì 4 người đã ở tuổi từ 60 đến 62, số còn lại cũng ở độ tuổi từ 50 đến 55. Như vậy, nguồn nhân lực khoa học và công nghệ hạt nhân của Việt Nam đang thiếu cả về số lượng và chất lượng, nhất là các nhà khoa học đầu đàn.

Cũng theo tính toán của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến năm 2020 cần bổ sung thêm 2.000 kỹ sư, cử nhân, 100 thạc sĩ, tiến sĩ cho các cơ sở đào tạo ở trong nước; khoảng 850 người để phục vụ cho quản lí, nghiên cứu và ứng dụng kĩ thuật hạt nhân trong các lĩnh vực y tế, công nghiệp, nông nghiệp, thăm dò khoáng sản, kiểm soát phóng xạ môi trường, kiểm soát an toàn bức xạ…/.

Phạm Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục