2008: Một năm đầy biến động của CPI

Diễn biến chỉ số giá tiêu dùng trong năm 2008, với những biến động từ lạm phát cao trong những tháng đầu năm chuyển sang dấu hiệu giảm phát trong những tháng cuối năm, đang đặt ra những thách thức lớn cho nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh u ám của nền kinh tế thế giới năm 2009.

Diễn biến chỉ số giá tiêu dùng trong năm 2008, với những biến động từ lạm phát cao trong những tháng đầu năm chuyển sang dấu hiệu giảm phát trong những tháng cuối năm, đang đặt ra những thách thức lớn cho nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh u ám của nền kinh tế thế giới năm 2009.
 
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, sau 9 tháng tăng không nghỉ, có tháng lên mức quá cao, chỉ số giá tiêu dùng đột ngột giảm 3 tháng cuối năm liên tiếp. Đây được đánh giá là một diễn biến trái chiều đáng lo ngại khi quy luật giá tăng vào dịp mua sắm cuối năm tồn tại từ nhiều năm nay đã không còn đúng nữa.
 
Nếu xét cả năm 2008, mức tăng giá tiêu dùng đã cao gấp gần 2 lần năm 2007 và là mức tăng cao nhất từ hơn 10 năm nay. Ba lần đột biến tăng cao trong năm rơi vào tháng 2, tháng 5 và tháng 8. Từ sau tháng 8, lạm phát được “cắt cơn” và chỉ số giá đã ở mức âm trong cả 3 tháng cuối năm.
 
Ngoài tác động từ việc áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ trong nước, kinh tế toàn cầu suy thoái và biến động giảm giá trên thị trường thế giới được coi là nguyên nhân quan trọng của diễn biễn đi xuống này. Có thể thấy rõ nhất qua 10 lần giảm giá xăng dầu bán lẻ trong nước theo đà giảm mạnh của giá dầu thế giới từ tháng 8 đến nay và tình trạng thị trường ngưng trệ hiện nay do nhu cầu tiêu thụ nhiều mặt hàng giảm.
 
Phân tích về diễn biến CPI trái ngược giữa hai năm 2007–2008, bà Trần Thị Hằng, Vụ trưởng Vụ Thương mại dịch vụ và giá cả (Tổng cục Thống kê) coi việc giá giảm vào thời điểm này là “xu hướng bất thường.” Tuy khẳng định chỉ số CPI giảm liên tiếp 3 tháng “chưa thể coi là giảm phát,” nhưng bà Hằng cũng nhấn mạnh Chính phủ "cần có biện pháp để [CPI] không giảm quá sâu."
 
Như vậy, sau những nỗ lực vượt bậc để kiềm chế tốc độ tăng giá phi mã những tháng đầu năm, giờ đây các cơ quan chức năng lại đau đầu trước bài toán nền kinh tế có nguy cơ giảm phát.
 
Các chuyên gia kinh tế cũng đã lên tiếng cảnh báo về sự đảo chiều của nền kinh tế từ xu hướng lạm phát cao sang thiểu phát và coi đây là một “vấn đề lớn” trong năm tới. Tiến sĩ Trần Đình Thiên, quyền Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng sẽ là rất nguy hiểm nếu cứ gồng mình chống lạm phát mà quên nguy cơ thiểu phát cận kề, nhất là khi “sức khỏe” nền kinh tế và các doanh nghiệp đã gần như cạn kiệt sau một thời gian lạm phát quá cao.
 
Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Thị trường giá cả (Bộ Tài chính) thì cho rằng các chính sách điều hành tiền tệ, tín dụng cần tiếp tục được tiến hành linh hoạt song song với chính sách kích cầu đầu tư và kích cầu tiêu dùng theo hướng xuất khẩu có chọn lọc và chuyển hướng vào thị trường nội địa. Trong đó, nới lỏng gánh nặng cho doanh nghiệp bằng cách giảm thuế được coi là một giải pháp quan trọng để thúc đẩy đầu tư trong nước.
 
Về phía Chính phủ, nhận thức được nguy cơ này, gói giải pháp tổng thể hơn 100.000 tỷ đồng đã được tung ra để kích thích nền kinh tế. Tại phiên họp thường kỳ tháng 12 vừa qua, các thành viên Chính phủ cũng nhất trí tiếp tục thực hiện năm nhóm giải pháp cấp bách, chủ yếu để ngăn chặn đà suy giảm kinh tế, bao gồm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu; kích cầu đầu tư; chính sách tài chính, tiền tệ linh hoạt; bảo đảm an sinh xã hội và tăng cường công tác điều hành, tổ chức thực hiện.
 
Làm thế nào để thực hiện có hiệu quả gói giải pháp kích cầu trị giá khoảng 6 tỷ USD này cũng đang là một câu chuyện gần như “nóng” nhất của nền kinh tế Việt Nam thời điểm này./.
 
Hồng Hạnh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục