Sức mạnh cánh tả

2009 - "Hàn thử biểu" sức mạnh cánh tả ở Mỹ Latinh

Dư luận quốc tế đã phải ngạc nhiên vì các đảng cánh tả có thể phát triển và thành công ở Mỹ Latinh, vốn bị coi là "sân sau của Mỹ".
Trong vài năm trở lại đây, việc một loạt đảng cánh tả lên cầm quyền tại Mỹ Latinh đã được coi là hiện tượng được quan tâm chú ý.

Dư luận quốc tế ngạc nhiên vì cánh tả có thể phát triển ở một nơi vốn vẫn bị gắn mác "sân sau của Mỹ", nơi mà Mỹ đang ráo riết xuất khẩu "chủ nghĩa tự do mới".

Nhưng dư luận cũng luôn hoài nghi về khả năng "sớm nở tối tàn" của các chính phủ cánh tả cầm quyền ở khu vực này.

Sau một nhiệm kỳ thử thách, kết quả nhiều cuộc bầu cử diễn ra trong năm nay tại Mỹ Latinh đã minh chứng sức sống bền bỉ của cánh tả và những nhà lãnh đạo kiên định lựa chọn con đường phát triển theo mô hình xã hội chủ nghĩa ở Mỹ Latinh đang tiếp tục được nhân dân trao gửi niềm tin.

Thành công nhiều


Những đặc điểm tích cực của chủ nghĩa xã hội như nỗ lực của chính phủ nhằm đảm bảo sự bình đẳng về mức sống cho mọi người dân vẫn là "kim chỉ nam" đối với nhiều nhà lãnh đạo tại Mỹ Latinh.

Kể từ khi lên cầm quyền vào năm 2005 tại Bolivia, ông Evo Morales, vị tổng thống người thổ dân đầu tiên của nước này, đã bắt tay vào việc thúc đẩy "Phong trào hướng tới chủ nghĩa xã hội" với sự trợ giúp của các nước cánh tả cầm quyền anh em như Venezuela và Cuba.

Ông Morales đã thực hiện từng bước tái cơ cấu và giành lại quyền sở hữu của nhà nước đối với những ngành quan trọng như tài nguyên dầu khí, điện lực, đường sắt, viễn thông...

Bốn năm dưới sự điều hành của ông, tổng thu nhập nội địa (GDP) của Bolivia đã tăng từ mức 9 tỷ USD năm 2005 lên mức 19 tỷ USD trong năm nay, dự trữ ngoại tệ ở mức kỷ lục 8,5 tỷ USD (50% GDP), lạm phát được kiểm soát và tỷ giá hối đoái ổn định.

Bolivia đã giảm đáng kể nợ nước ngoài, từ mức 3,25 tỷ xuống còn 2 tỷ USD, và tăng GDP bình quân đầu người lên 1.671 USD/năm, cao hơn nhiều so với mức 1.010 USD của năm 2006.

Các chuyên gia kinh tế nhận định năm 2009 sẽ là lần đầu tiên Bolivia có mức tăng trưởng kinh tế cao nhất khu vực.

Cùng với những thành tựu xã hội nổi bật, đặc biệt trong các lĩnh vực y tế, giáo dục và bảo vệ quyền lợi của các cộng đồng thiểu số, tăng trưởng kinh tế chính là nguyên nhân chính giúp uy tín của Tổng thống Morales luôn ở mức cao tại một quốc gia từng nổi tiếng về bất ổn chính trị.

Chính vì thế, không có gì bất ngờ khi ông Morales đã dễ dàng tái đắc cử trong cuộc tổng tuyển cử ngày 6/12 vừa qua với trên 60% số phiếu bầu.

Tại Uruguay, chính sách kinh tế, xã hội của Tổng thống cánh tả Tabare Vazquez đã chứng tỏ việc lựa chọn đúng hướng và hiệu quả khi cử tri tiếp tục gửi gắm niềm tin vào sự cầm quyền của tổ chức chính trị Mặt trận Mở rộng thông qua việc bỏ phiếu cho ứng cử viên cánh tả Jose Mujica trong cuộc bầu cử Tổng thống cuối tháng 11 vừa qua và tân tổng thống cam kết sẽ tiếp tục các chính sách của người tiền nhiệm.

Tại Nicaragua, Tổng thống cánh tả Daniel Ortega đã giành được quyền tái ứng cử nhiệm kỳ tiếp theo vào năm 2011 sau quyết định của Ủy ban hiến pháp của Tòa án Tối cao nước này khẳng định quyền tự do của người dân Nicaragua trong việc lựa chọn nhà lãnh đạo.

Dưới sự cầm quyền của các nhà lãnh đạo cánh tả, Venezuela và Bolivia và tiếp đến là Nicaragua và Ecuador đã thanh toán "giặc dốt", tiếp bước "ngọn cờ đầu" Cuba - quốc gia hoàn thành công tác xóa nạn mù chữ từ năm 1961.

Sức sống của cánh tả tại Mỹ Latinh còn được thể hiện trong Tuyên bố chung Hội nghị thượng đỉnh Liên minh Bolivar dành cho châu Mỹ (ALBA) - liên minh chính trị, kinh tế và xã hội của khu vực Mỹ Latinh và Caribe - bế mạc ngày 14/12 vừa qua, trong đó khẳng định ALBA luôn hướng tới mục tiêu công bằng xã hội, phân chia lại của cải, đề cao phát triển, đánh giá cao sự tham gia của người dân và xóa bỏ tình trạng người dân bị đẩy ra ngoài rìa xã hội.

Thách thức không ít

Có thể nói bên cạnh những "điểm sáng" như được đề cập tới ở trên, khi nói đến cánh tả ở Mỹ Latinh trong năm 2009, người ta không thể "bỏ qua" cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ ở Honduras mà ở đó, một vị tổng thống cánh tả hợp hiến đã đột ngột bị phế truất và không còn cơ hội trở lại chính trường bất chấp ông được nhiều nước tiến bộ cũng như Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) ủng hộ.

Người ta cũng phải kể đến cuộc bầu cử báo trước "sự ra đi" của phe trung tả của nữ Tổng thống Chile Michelle Bachelet khi phe này không có được ứng cử viên nặng ký để đối chọi với ứng cử viên cánh hữu.

Dư luận cũng sẽ lưu ý đến những khó khăn bề bộn của Tổng thống Fernando Lugo, một nhân vật cánh tả từng làm nên lịch sử ở Paraguay năm 2008 khi ông này chấm dứt 6 thập kỷ thống trị chính trường của Đảng Màu.

Ngoài ra, tập hợp các chính quyền cánh tả Mỹ Latinh cũng chưa hội tụ đủ sức mạnh để có thể khiến Mỹ dỡ bỏ lệnh bao vây cấm vận hà khắc chống Cuba, hay họ có thể làm được gì trước thỏa thuận quân sự cho phép Mỹ sử dụng tới 7 căn cứ quân sự tại Colombia.

Ông Franck Gaudichaud, một chính trị gia đồng thời là nhà sử học chuyên nghiên cứu về Mỹ Latinh cho rằng các phong trào xã hội là những tác nhân dân chủ hóa, cản trở bước tiến của giai cấp thống trị.

Song, xuất phát từ quan điểm đấu tranh giai cấp mà ông cho là vẫn tồn tại, tính thể chế và sự hợp lực chính trị là những điều cơ bản, cần phải phát huy, bảo tồn, nhưng phải tiến tới việc tìm ra các giải pháp cụ thể xây dựng chính quyền nhân dân.

Để làm được điều đó, các tổ chức cánh tả mới phải có các công cụ chính trị hợp lực chặt chẽ, có khả năng đối phó với lực lượng hùng hậu của đối phương, chống lại sức mạnh cưỡng chế và đàn áp của chúng.

Trên tinh thần đó, ông Gaudichaud nói rằng cần phải hình thành các lực lượng chính trị chống tư bản chủ nghĩa, có khả năng thay đổi xã hội, làm công cụ phục vụ phong trào cánh tả, là chỗ dựa nhằm tăng cường tính độc lập tổ chức và tự vệ của quần chúng, và đừng bao giờ tự cho mình là "tiên phong", là người có khả năng thay thế nhân dân.

Theo ông, đây chính là thách thức lớn đối với phong trào cánh tả trong thế kỷ 21./.

Đỗ Sinh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục