2012 là năm thành công của hàng không thế giới

Năm 2012 được đánh giá là một năm rất thành công trong lĩnh vực an toàn hàng không, khi số vụ tai nạn và số người chết đều giảm.
Theo báo cáo do Trung tâm dữ liệu về an toàn hàng không Jet Airliner Crash Data Evaluation Centre (JACDEC) đăng trên tạp chí magazine Aero International, với 496 người thiệt mạng và 44 máy bay bị phá hủy, năm 2012 được đánh giá là một năm rất thành công trong lĩnh vực an toàn hàng không và Finnair của Phần Lan là hãng hàng không an toàn nhất thế giới.

Trong năm 2012, số người thiệt mạng trong lĩnh vực hàng không dân dụng là 496, giảm nhẹ so với năm ngoái (498 người), số máy bay bị tai nạn cũng giảm 1 chiếc so với năm 2011, còn 44 chiếc.

Tạp chí trên nhấn mạnh: "Có thể nói rằng, chưa bao giờ nguy cơ dẫn đến những vụ tai nạn máy bay lại thấp như hiện nay."

Độ an toàn của các hãng hàng không danh tiếng ngày càng được nâng cao và phần lớn những vụ tai nạn đều rơi vào các máy bay quá cũ, được sản xuất từ cách đây rất nhiều năm.

Các hãng hàng không châu Âu và Bắc Mỹ có chỉ số an toàn cao nhất thế giới, ngược lại, diện nguy hiểm nhất thuộc về hãng hàng không các nước đang có xung đột vũ trang.

Trong số 60 hãng hàng không được đánh giá là an toàn nhất thế giới, đứng đầu là hãng hàng không Finnair của Phần Lan, đứng thứ hai là Air New Zealand của New Zealand, Cathay Pacific của Hong Kong xếp thứ 3.

Trong vòng 30 năm qua (thời hạn thống kê tối đa của JACDEC), cả ba hãng hàng không nói trên đều không có một chiếc máy bay nào bị phá hủy do tai nạn và không hề có một nạn nhân nào thiệt mạng trong các chuyến bay.

Hàng hàng không Nhật Bản All Nippon Airways, hãng hàng không an toàn nhất năm 2011, đã bị tụt xuống vị trí thứ 12 sau khi để xảy ra tai nạn chết người tại một loạt các sự cố trong năm 2012. Đứng cuối bảng xếp hạng theo thứ tự là hãng hàng không Ấn Độ Air India (58), hãng hàng không Brazil TAM Airlines (59) và cuối cùng là hãng hàng không Đài Loan China Airlines (60).

Để đánh giá về độ an toàn, JACDEC không chỉ dựa vào số lượng những máy bay bị phá hủy do tai nạn mà còn dựa vào cả việc đánh giá những sự cố nghiêm trọng trong vòng 10 năm gần nhất, và chỉ những sự cố liên quan đến các máy bay đang thực hiện các chuyến bay thương mại mới được xem xét đến./.

Hoàng Long/Geneva (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục