2030: Việt Nam có thể phải nhập khẩu năng lượng

Nếu tiếp tục phát triển ngành năng lượng theo hướng hiện tại, thì đến năm 2030 Việt Nam sẽ không còn là nước xuất khẩu năng lượng.
Theo báo cáo "Làn gió mới: Tương lai năng lượng bền vững của Đông Á" được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 19/4 qua cầu truyền hình quốc tế, nếu tiếp tục phát triển ngành năng lượng theo hướng hiện tại, thì đến năm 2030 Việt Nam sẽ chuyển từ một nước xuất khẩu năng lượng sang nước nhập khẩu năng lượng.

Chuyển từ xuất khẩu sang nhập khẩu năng lượng

Lý giải về việc này, báo cáo cho rằng trong suốt thập kỷ qua, Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế đầy ấn tượng, kéo theo đó là nhu cầu năng lượng tăng hơn 2 lần và dự kiến có thể tiếp tục tăng gấp đôi trong 10 năm nữa nếu Việt Nam tiếp tục tăng trưởng kinh tế ngoạn mục như hiện nay.

Việt Nam là một trong 10 quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu, do một nửa dân số của Việt Nam sống dọc vùng duyên hải và tại Đồng bằng Sông Cửu Long.

Việt Nam đã phát động Chương trình quốc gia về năng lượng bền vững, tuy nhiên, để thực hiện được, Việt Nam cần có khung chính sách và thể chế.

Trong thập kỷ qua, Việt Nam đã giảm 2% cường độ sử dụng năng lượng mỗi năm, chỉ đứng sau Trung Quốc trong nỗ lực vì tương lai năng lượng bền vững của khu vực.

Công nghiệp là ngành có tiềm năng tiết kiệm năng lượng lớn nhất. Báo cáo cho rằng trong thập kỷ tới, Việt Nam cần ưu tiên tập trung đầu tư vào công nghệ sử dụng hiệu quả năng lượng tại các nhà máy công nghiệp mới. Chỉ riêng công suất của các nhà máy công nghiệp mới này sẽ tạo ra công suất lớn hơn công suất hiện tại của toàn ngành công nghiệp của Việt Nam hiện nay.

Các tiêu chuẩn và việc dán nhãn hiệu quả sử dụng năng lượng cũng có thể làm thay đổi thị trường đồ gia dụng. Quy hoạch đô thị và vận tải công cộng có tác động lớn nhất trong việc giảm thiểu nhu cầu về năng lượng cho ngành vận tải đô thị.

Việt Nam đã xây dựng một kế hoạch triệt để để phát triển thủy điện, tuy nhiên Việt Nam cũng cần đưa ra những chính sách để khuyến khích sản xuất điện bằng các nguồn năng lượng tái chế tốn ít kinh phí và sử dụng khí tự nhiên.

Ngoài các nhà máy thủy điện công suất lớn chiếm 26% công suất điện hiện tại, Việt Nam dự kiến sản xuất 5% công suất điện từ các nguồn năng lượng tái sinh mới vào năm 2020.

Việt Nam có nguồn tài nguyên và lượng dự trữ khí lớn. Bằng các chính sách và quy chế định giá ưu đãi, sản xuất và tiêu thụ khí sẽ tăng đáng kể và đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu năng lượng của đất nước trong hai thập kỷ tới.

Giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính

Cũng theo báo cáo này, Ngân hàng Thế giới cho rằng, nếu được đầu tư lớn để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và đồng loạt chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng tái sinh, sáu nước sử dụng năng lượng nhiều nhất tại khu vực Đông Á trong đó có Việt Nam, có thể giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, tăng cường an ninh năng lượng, đồng thời cải thiện môi trường.

Báo cáo đưa ra hai kịch bản, kịch bản thứ nhất là khu vực sẽ tiếp tục phát triển theo chính sách hiện hành của các chính phủ và kịch bản thứ hai là khu vực sẽ phát triển theo định hướng tăng trưởng cácbon thấp.

Đối với kịch bản phát triển năng lượng bền vững theo định hướng tăng trưởng cácbon thấp, báo cáo nhận định, năng lượng tái sinh (bao gồm nước, gió, sinh khối và địa nhiệt, năng lượng Mặt Trời) có thể đáp ứng phần lớn nhu cầu về điện của khu vực vào năm 2030.

Báo cáo kêu gọi các nước phải hành động ngay trước khi quá muộn. Hành động chậm trễ sẽ khiến cho khu vực phải tiếp tục đối phó với tình trạng cơ sở hạ tầng cácbon cao đã tồn tại trong thời gian dài.

Mặc dù nhiều nước đã tiến hành các biện pháp tích cực nhưng vẫn cần phải tăng tốc và nỗ lực hơn nữa để ngành năng lượng phát triển bền vững.

Tiến sĩ Xiaodong Wang, tác giả chính của báo cáo cho rằng: "Điều mà chúng ta cần là quyết tâm chính trị và quan hệ hợp tác quốc tế chưa từng có trong lịch sử để đáp ứng nhu cầu về vốn."

Trong vòng ba thập kỷ qua, GDP tại khu vực Đông Á đã tăng 10 lần, dẫn đến lượng tiêu thụ năng lượng tăng gấp ba lần và dự kiến sẽ tăng gấp hai lần trong vòng hai thập kỷ tới, do quy mô dân số đô thị tăng 50% và quá trình công nghiệp hóa vẫn đang diễn ra tại khu vực.

Để ngành năng lượng tăng trưởng bền vững, ước tính mỗi năm Đông Á phải đầu tư thêm 80 tỷ USD.

Báo cáo khuyến nghị cần cải cách thể chế và chính sách để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong khu vực, kết hợp nhiều biện pháp cải cách trong hoạt động định giá năng lượng, phải ban hành các quy định về mục tiêu giảm cường độ sử dụng năng lượng của nền kinh tế và các công cụ khuyến khích tài chính để thúc đẩy hoạt động bảo tồn năng lượng...

Cùng với mở rộng quy mô sản xuất năng lượng tái sinh; khuyến khích các ý tưởng sáng tạo và công nghệ sạch mới; xây dựng quy hoạch đô thị thông minh, các nước phát triển cần chuyển giao công nghệ cácbon thấp và hỗ trợ nguồn vốn lớn, bởi các nước đang phát triển không thể tiến hành chuyển đổi mà không có sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục