22 nước rơi vào khủng hoảng lương thực kéo dài

Thảm họa thiên nhiên và thể chế yếu kém đẩy 22 nước rơi vào khủng hoảng lương thực kéo dài với hơn 166 triệu người suy dinh dưỡng.
Trong báo cáo "Hiện trạng mất an ninh lương thực thế giới năm 2010" công bố ngày 6/10, Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) và Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cho biết thảm họa thiên nhiên, xung đột và thể chế yếu kém đã đẩy 22 nước trên thế giới thường xuyên khủng hoảng lương thực và số người bị đói chiếm tỷ lệ cao trong dân số những nước này.

FAO và WFP nhấn mạnh nạn đói và mất an ninh lương thực triền miên là vấn đề đặc trưng chung nhất của các nước khủng hoảng lương thực kéo dài này.

Số người suy dinh dưỡng ở 22 nước trên đứng trước các vấn đề phức tạp của cuộc sống khó khăn cao gấp ba lần số người suy dinh dưỡng ở các nước đang phát triển khác. Hơn 166 triệu người suy dinh dưỡng sống ở những nước này, chiếm 20% hoặc hơn 1/3 tổng số người suy dinh dưỡng toàn cầu nếu không tính số người suy dinh dưỡng ở Trung Quốc và Ấn Độ.

Phần lớn viện trợ cho những nước này là viện trợ lương thực nhân đạo khẩn cấp không chỉ cứu người mà còn là nguồn đầu tư duy trì và tăng cường nguồn tài sản con người, nền tảng của ổn định và phát triển trong tương lai của những nước này.

Sử dụng các công cụ viện trợ khác như tiền mặt hoặc ngân phiếu để hỗ trợ mua các sản phẩm nông nghiệp tại chỗ sẽ mở ra cơ hội lớn để nguồn viện trợ lương thực này trở thành cơ sở mạnh để đạt được an ninh lương thực dài hạn.

Theo số liệu của FAO, hiện có khoảng 925 triệu người sống ở các nước khủng hoảng lương thực kéo dài, giảm 98 triệu người so với năm 2009 chủ yếu do triển vọng kinh tế tốt hơn trong năm 2010 và giá lương thực giảm từ giữa năm 2008.

FAO và WFP định nghĩa quốc gia bị coi là khủng hoảng lương thực kéo dài hoặc thu nhập thấp liên tục thiếu hụt lương thực là nước liên tục thông báo khủng hoảng lương thực từ tám năm liền trở lên, nhận hơn 10% viện trợ của nước ngoài dưới dạng cứu trợ lương thực nhân đạo.

Theo số liệu của Liên hợp quốc, 10% trong tổng viện trợ phát triển chính thức (ODA) trên thế giới được thực hiện dưới dạng viện trợ nhân đạo, trong đó phần lớn viện trợ cho các nước khủng hoảng lương thực kéo dài. Khoảng 64% ODA cho Somalia và 62% ODA cho Sudan là viện trợ lương thực khẩn cấp.

Trên phạm vi toàn cầu, các nước khủng hoảng lương thực kéo dài nhận tới 60% ODA lương thực nhân đạo khẩn cấp. Gần 2/3 số nước khủng hoảng lương thực kéo dài nhận được viện trợ phát triển tính theo đầu người ít hơn mức trung bình của các nước chậm phát triển nhất.

FAO và WFP kêu gọi cộng đồng thế giới tư duy lại phương thức chuyển giao viện trợ cho các nước khủng hoảng lương thực kéo dài theo đó cần tập trung chú ý các giải pháp dài hạn nhằm tăng cường khả năng cải thiện bền vững năng lực sản xuất lương thực cũng như tăng cường sức bật của các nước này trước những cú sốc kinh tế thế giới trong khi tiếp tục hỗ trợ cuộc sống và bảo vệ nhân dân các nước này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục