2.200 chiến binh Hồi giáo Nga đang tham chiến ở Syria và Iraq

Thứ trưởng Quốc phòng Nga cho biết khoảng 2.200 chiến binh cực đoan sinh ra tại Nga đang chiến đấu trong các nhóm khủng bố, cực đoan ở Syria và Iraq.
2.200 chiến binh Hồi giáo Nga đang tham chiến ở Syria và Iraq ảnh 1Phiến quân Hồi giáo IS. (Nguồn: AP)

Hãng RT dẫn thông báo của Thứ trưởng Quốc phòng Nga cho biết khoảng 2.200 chiến binh cực đoan sinh ra tại Nga đang chiến đấu trong các nhóm khủng bố, cực đoan ở Syria và Iraq. Ông nói rằng “con số này đang gây báo động thực sự.”

“Tại thời điểm hiện nay, khoảng 2.200 người Nga đang tham chiến ở Syria và Iraq. Trong số này, có khoảng 500 người tới từ châu Âu, nơi họ đã được cấp quyền công dân, quyền định cư lâu dài hoặc quy chế tị nạn" - ông Oleg Syromolotov, Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách chống khủng bố cho hãng tin TASS biết trong ngày thứ ba.

Ông đánh giá nhu cầu trấn áp “bất kỳ động thái nào” của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và các nhóm chiến binh khác nhằm vào lãnh thổ, công dân và các cơ sở của Nga đều mang tới những khó khăn lớn cho chính quyền.

“Chúng tôi đang nghiên cứu kỹ các tuyên bố của giới lãnh đạo IS về việc chuyển hoạt động thánh chiến tới Bắc Caucasus và Trung Á” - ông Syromolotov nói.

Lời đe dọa được đưa ra từ những tên khủng bố ngoại quốc, đã đi tới khu vực Trung Đông đang bị các nhóm chiến binh kiểm soát, và trở về quê nhà sau khi được huấn luyện và tẩy não.

“Rõ ràng chúng không chỉ mang về tiềm năng gây khủng bố mà còn cả các ý thức hệ cực đoan và trở thành nguồn gây ảnh hưởng tiêu cực về ý thức hệ lên xã hội, đặc biệt là các thành viên dễ tổn thương nhất trong xã hội gồm thiếu niên và những người sùng đạo,” ông Syromolotov nói. Ông tin rằng những kẻ cực đoan giờ đang chiến thắng trong cuộc đấu “trên mặt trận thông tin” do tình trạng chia rẽ của các nhà nước lẽ ra phải lãnh đạo cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố.

Theo Trung tâm nghiên cứu hoạt động cực đoan hóa, tính tới tháng 1 năm nay, hơn 20.000 tay súng ngoại quốc, tới từ 100 quốc gia trên thế giới, đang tham chiến cùng nhiều nhóm chiến binh khác nhau, gồm IS.

Trong số này, có gần 1/5 tới từ Tây Âu, với Anh và Đức đứng đầu bảng. Các nước khác có đông người gia nhập lực lượng cực đoan gồm Jordan, Morocco, Saudi Arabia và Tunisia./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục