26 ngân hàng Mỹ bị đóng cửa từ đầu năm tới nay

Tổng số ngân hàng tại Mỹ bị đóng cửa từ đầu năm đến nay đã tăng lên con số 26 sau khi có thêm ba ngân hàng đóng cửa trong tháng này.
Tổng số ngân hàng tại Mỹ bị đóng cửa từ đầu năm đến nay đã tăng lên con số 26 sau khi có thêm ba ngân hàng nhỏ bị đóng cửa trong tháng này, khiến Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi liên bang (FDIC) thiệt hại thêm 112 triệu USD.

Ngân hàng Bank of Commerce of Wood Dale tại bang Illinois bị đóng cửa vào cuối tuần trước.

Theo tính toán sơ bộ, với số tài sản trị giá 163 triệu USD và tổng số dư tiền gửi là 161 triệu USD tính tới ngày 31/12/2010, sự sụp đổ của ngân hàng này khiến FDIC bị thiệt hại khoảng 42 triệu USD.

Trong khi đó, hai ngân hàng Legacy Bank tại bang Wisconsin và First National Bank of Davis tại bang Oklahoma cũng nhận lệnh đóng cửa vào cuối giờ giao dịch ngày 11/3 theo yêu cầu của FDIC.

Ngân hàng Legacy Bank có tài sản trị giá 190 triệu USD và tiền gửi hơn 183 triệu USD, còn ngân hàng First National Bank of Davis có số tài sản hơn 90 triệu USD và tiền gửi gần 70 triệu USD. Tiền bảo hiểm phải trả cho 2 ngân hàng bị đóng cửa này lên tới 70 triệu USD.

Trong năm 2010, đã có tổng cộng 157 ngân hàng Mỹ bị đóng cửa, nhiều nhất kể từ cuộc khủng hoảng tín dụng và tiền gửi tiết kiệm hồi năm 1992 tới nay. Tổng giá trị tài sản của 157 ngân hàng nói trên vào khoảng 92 tỷ USD.

Phần lớn các ngân hàng phá sản trong năm 2010 là những ngân hàng nhỏ, nên tổng chi phí bảo hiểm tiền gửi cũng chỉ ở mức 21 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với khoản phí bảo hiểm 36 tỷ USD mà chính quyền liên bang phải trả cho sự sụp đổ của 140 ngân hàng trong năm 2009.

Năm 2008, khi cuộc khủng hoảng tài chính nổ ra tại Mỹ, mới chỉ có 25 ngân hàng bị đóng cửa. Trong đó, ngân hàng Washington Mutual, có trụ sở tại thành phố Seattle thuộc bang Washington, bị đóng cửa khi đang nắm số tài sản trị giá 307 tỷ USD và tiền gửi lên tới 188 tỷ USD là thất bại nặng nề nhất của ngành ngân hàng Mỹ từ trước tới nay.

Mặc dù đưa 884 ngân hàng của Mỹ vào danh sách các định chế tài chính "có vấn đề" trong quý 4/2010, con số cao nhất trong 18 năm qua, FDIC vẫn không cho rằng 2011 là năm có số ngân hàng bị đóng cửa nhiều nhất, mà là năm 2010.

FDIC ước tính từ năm 2010 tới hết năm 2014, tổng số tiền bảo hiểm tiền gửi mà họ phải trả cho các ngân hàng "sập tiệm" sẽ là 52 tỷ USD./.

Kim Yến (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục