27 nước nhất trí siết chặt hoạt động ngân hàng

Các ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới đã nhất trí với gói biện pháp nhằm tăng cường việc điều phối và giám sát ngành ngân hàng.

Các ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới đã nhất trí với gói biện pháp nhằm tăng cường việc điều phối và giám sát ngành ngân hàng trong thời khủng hoảng tài chính.

Đây là kết quả cuộc họp ngày 6/9 giữa các thống đốc ngân hàng trung ương 27 nước lớn, sau khi Hội nghị bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) ở London (Anh) không đưa ra giải pháp cụ thể cho những vấn đề tồn đọng trong khu vực ngân hàng.

Gói biện pháp đề cập qui định mới về nhu cầu vốn của các ngân hàng, yếu tố quyết định hoạt động kinh doanh và lãi, tỷ lệ đòn bẩy tài chính, giới hạn vốn có thể được sử dụng; tiêu chuẩn toàn cầu về tài trợ luân chuyển vốn tối thiểu và khung bảo vệ các ngân hàng trước những rủi ro về kinh tế.

Chi tiết các biện pháp sẽ được công bố vào cuối năm nay, sau đó sẽ được thử nghiệm và sàng lọc theo nhiều giai đoạn đến cuối năm 2010 theo cách thức không cản trở sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, cuộc họp không ấn định thời gian thực hiện gói biện pháp này.

Theo thông báo của tổ chức ngân hàng quốc tế BIS, gói biện pháp nói trên sẽ giúp giảm mạnh nguy cơ và mức độ trầm trọng của những căng thẳng tài chính.

Mục đích của nó là nhằm khởi động và thúc đẩy việc thực hiện các biện pháp "Basel II", được hoàn tất tháng 7 vừa qua, theo đó các ngân hàng phải tăng vốn và điều chỉnh những sai sót phát sinh từ sau sự sụp đổ của các thị trường tín dụng và tài chính hồi năm ngoái.

Thông báo cũng cho biết các lãnh đạo ngân hàng trung ương nhất trí nâng cao các tiêu chuẩn về nhu cầu vốn "nòng cốt", hay còn gọi là vốn bậc một, đối với những ngân hàng thương mại nhằm tăng cường chất lượng, sự nhất quán và minh bạch trong giao dịch.

Các ngân hàng sẽ phải tăng nhanh số lượng và chất lượng vốn, nhưng phải đảm bảo sự ổn định của những hệ thống ngân hàng quốc gia và nền kinh tế toàn cầu.

Lãnh đạo ngân hàng 27 nước cũng tán thành tiêu chuẩn về tài trợ luân chuyển vốn tối thiểu, cũng như quy định về xây dựng quỹ dự phòng vốn phản chu kỳ để sử dụng khi xảy ra tình trạng hỗn loạn về tài chính.

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Jean-Claude Trichet, đồng thời là người chủ trì cuộc họp, cho rằng các thỏa thuận đạt được giữa các thống đốc ngân hàng trung ương 27 nước lớn là cơ sở để đặt ra những tiêu chuẩn mới về điều phối và giám sát ngành ngân hàng ở cấp toàn cầu.

Bất chấp Mỹ muốn đạt thỏa thuận quốc tế về vốn dự trữ của các ngân hàng vào cuối năm 2010, Hội nghị G-20 trong các ngày 4-5/9 vừa qua chỉ dừng ở việc kêu gọi đưa ra những quy định tài chính chặt chẽ hơn, bao gồm việc yêu cầu các ngân hàng phải huy động vốn nhiều và hiệu quả hơn khi kinh tế thế giới phục hồi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục