30 địa phương sẽ triển khai chương trình bình ổn giá

Chương trình có để bình ổn thị trường, bảo đảm nguồn cung chứ không chỉ là giảm giá, mang lại lợi ích cho cả người cung cấp và tiêu dùng.
Tăng cường biện pháp bình ổn giá cả thị trường trong dịp Tết Nhâm Thìn, nhất là bảo đảm nguồn hàng tiêu dùng Tết là nội dung được lãnh đạo Bộ Công Thương lưu ý các doanh nghiệp tại cuộc họp giao ban Bộ ngày 5/12, tại Hà Nội.

Theo Bộ Công Thương, thị trường hàng hóa cho dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn đã bắt đầu sôi động hơn với chương trình khuyến mại của thành phố Hà Nội. Vì vậy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội tháng 11 đạt 176,4 nghìn tỷ đồng, tăng 1,8% so với tháng 10.

Tính chung 11 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 1.814 nghìn tỷ đồng, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Cung cầu hầu hết các mặt hàng bảo đảm, giá nhiều mặt hàng thiết yếu tiếp tục ổn định (điện, xăng dầu, gas, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thép xây dựng, ximăng…).

Tuy nhiên, một số mặt hàng như lương thực, thực phẩm do ảnh hưởng của mưa lũ, nhu cầu tăng vào dịp cuối năm trong khi nguồn cung chưa dồi dào nên giá cả có xu hướng tăng trở lại.

Ông Trương Quang Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết hiện nay, hầu hết các địa phương đều lo lắng nguồn lương thực, thực phẩm, nhất là nguồn thịt lợn và rau củ trong dịp trước và sau Tết, vì hai mặt hàng này ảnh hưởng rất lớn đến thị trường.

Có 30 địa phương dự kiến sẽ triển khai chương trình bình ổn giá, trong đó 17/30 địa phương đã báo cáo kế hoạch cụ thể. Đây là chương trình có ý nghĩa bình ổn thị trường, bảo đảm nguồn cung chứ không chỉ là chương trình giảm giá. Chương trình mang lại lợi ích cho cả người cung cấp và người tiêu dùng.

Từ chương trình này nhiều doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đã ký được hợp đồng dài hạn. Vì thế, cần tiếp tục phát huy, triển khai chương trình này, nhất là trong dịp trước và sau Tết Nguyên đán.

Tuy nhiên, trong các tháng Tết, dự kiến nhu cầu tiêu dùng cả nước sẽ tăng khoảng 20-22%, trong tháng 12 sẽ diễn ra lễ Noel, chuẩn bị Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, trong khi giá lương thực, thực phẩm đang có xu hướng nhích lên.

Hơn nữa, đây là tháng có lượng giải ngân lớn để hoàn thành kế hoạch sản xuất-kinh doanh, bên cạnh đó, lương thưởng của các doanh nghiệp, tiền dân cư đưa ra dịp Tết… sẽ là những nhân tố tác động đẩy mặt bằng giá cả lên cao.

Sở Công Thương Hà Nội khẳng định để chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Thìn, Sở sẽ hỗ trợ cho vay 430 tỷ đồng với lãi suất 0% đối với một số doanh nghiệp để thực hiện chương trình bình ổn thị trường dịp Tết. Theo đó, Sở yêu cầu các doanh nghiệp được hỗ trợ lãi suất vay phải đáp ứng 15% lượng hàng bình ổn giá.

Mới đây, Hà Nội đã ký với 7 tỉnh tại đồng bằng Bắc bộ để đưa hàng nông sản, thực phẩm… về Hà Nội trong dịp Tết. Ngoài ra, Hà Nội cũng hỗ trợ 4 tỷ đồng để tổ chức trung tâm bán hàng Tết, mở 100 điểm vàng bán hàng từ nay đến hết Tết.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng lưu ý năm nay Tết đến sớm hơn mọi năm nên giới buôn lậu tăng cường gom các mặt hàng bánh kẹo, nước giải khát, bia, rượu, thuốc lá, mỹ phẩm… đưa về nội địa tiêu thụ qua các cửa khẩu như Lạng Sơn, Móng Cái, Lao Bảo, Mộc Bài.

Để ngăn chặn tình trạng này, Bộ trưởng yêu cầu các Bộ, ngành phối hợp với các cơ quan hữu quan và doanh nghiệp tăng cường các biện pháp kiểm soát việc chấp hành các quy định về giá, bảo đảm đủ nguồn hàng, nhất là các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, thuốc chữa bệnh, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, gây sốt giá, nhất là tháng cuối năm khi nhu cầu tiêu dùng tăng đột biến./.

Uyên Hương (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục