32 quốc gia, lãnh thổ chia sẻ thông tin về bệnh dại

Đại diện 32 quốc gia, vùng lãnh thổ đã tham dự hội thảo tổ chức ngày 9/9 tại Hà Nội, nhằm chia sẻ thông tin về phòng chống bệnh dại.
Ngày 9/9, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo về phòng chống bệnh dại khu vực châu Á lần thứ hai với sự tham gia của 150 đại biểu các nhà khoa học, chuyên gia y tế, nhà quản lý đến từ 32 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Các đại biểu cùng chia sẻ thông tin, biện pháp và kinh nghiệm, nghiên cứu mới nhất về bệnh dại nhằm xóa sổ căn bệnh này trên toàn thế giới.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn nêu rõ, dại là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cần được các quốc gia cam kết mạnh mẽ phòng chống bệnh. Con đường lây truyền chính là từ động vật (chó, mèo) sang người với tỷ lệ ca tử vong tới 100%. Chính vì vậy, sự kết hợp hiệu quả giữa các biện pháp kiểm soát và dự phòng sẽ giúp các quốc gia loại trừ bệnh dại ở động vật và con người.

Trên thế giới mỗi năm có có khoảng 50.000 ca tử vong do bệnh dại. Tại Việt Nam, trung bình mỗi năm có khoảng 70-90 ca tử vong do căn bệnh này. Trước năm 2008, cả nước có khoảng 450.000 người bị động vật cắn (chủ yếu là chó, mèo); sau năm 2008, chỉ còn dưới 300.000 người.

Phó giáo sư, tiến sĩ Đinh Kim Xuyến, Phó Chủ tịch Thường trực Chương trình Phòng chống bệnh dại quốc gia cho biết, từ đầu năm 2009 đến nay, cả nước đã có 49 trường hợp bị tử vong do chó dại cắn; tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại ở chó chiếm từ 30 - 40% nhưng lại là nguồn truyền dại chủ yếu cho con người, chiếm trên 97% ca bệnh.

Tuy nhiên, bệnh dại có thể hoàn toàn chủ động phòng tránh được, nếu không có dại ở chó, mèo thì không có dại ở người. Nhưng hiện nay nguy cơ bùng phát dịch bệnh dại là rất cao do ý thức người dân và công tác quản lý gia súc, gia cầm chưa được người dân và cộng đồng quan tâm một cách đúng mức.

Để đẩy lùi dịch bệnh dại nhất là vào thời điểm hiện nay, biện pháp chính là hạn chế việc nuôi chó, mèo.

Các chuyên gia cũng đã đưa ra khuyến cáo, đối với những trường hợp bị chó (mèo) cắn nghi là dại, cần phải nhanh chóng rửa thật kỹ vết thương bằng nước xà phòng (hoặc nước muối) đặc, dội nước sạch nhiều lần. Sau đó, bôi các chất sát khuẩn như cồn vào chỗ trầy xước của vết thương.

Tuy nhiên, trong quá trình sơ cứu, tuyệt đối không để vết thương bị trầy xước, bầm dập. Đặc biệt, không được tùy tiện sử dụng thuốc nam để điều trị. Mục đích của việc làm này nhằm xử lý tại chỗ vết cắn và làm giảm đến mức tối thiểu lượng virus dại tại nơi xâm nhập, tránh hệ lụy khôn lường xảy ra.

Sau khi sơ cứu, các gia đình cần nhanh chóng đưa người thân bị chó (mèo) cắn đến các cơ sở y tế để các bác sĩ nơi đây thăm khám, đưa ra các phác đồ điều trị. Bên cạnh đó, phải theo dõi con vật nghi dại trong khoảng thời gian từ 10 - 15 ngày, để có cách điều trị, tiêm vắcxin, huyết thanh kháng dại kịp thời./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục