32 trường hợp đã tử vong do ngộ độc thực phẩm

Từ đầu năm đến nay, cả nước đã xảy ra 88 vụ ngộ độc thực phẩm làm gần 3.000 người mắc và 32 người tử vong, tăng so với cùng kỳ 2009.
Ngày 27/7, Phó Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Nguyễn Thanh Phong cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đã xảy ra 88 vụ ngộ độc thực phẩm làm gần 3.000 người mắc và 32 trường hợp tử vong.

So với cùng kỳ năm 2009, số vụ ngộ độc tăng 23 vụ và số người tử vong tăng bốn trường hợp. Riêng "Tháng hành động vì chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm" năm 2010 (15/4-15/5), cả nước xảy ra 24 vụ ngộ độc thực phẩm làm 11 trường hợp tử vong.

Phó Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm thừa nhận, tình hình ngộ độc thực phẩm tập thể chưa được cải thiện và vẫn tiếp tục xảy ra tại nhiều địa phương, nhất là tại một số bếp ăn tập thể khu công nghệp.

Nguyên nhân chính là do điều kiện vệ sinh cơ sở, dụng cụ và vệ sinh cá nhân kém; nguồn nước bị ô nhiễm; việc kiểm soát nguồn nguyên liệu đầu vào chưa được thực hiện thường xuyên. Đặc biệt là sự quan tâm đối với công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm của Ban quản lý các khu công nghiệp chưa cao, chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa cơ quan quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm địa phương với các khu công nghiệp.

Việc quy hoạch hệ thống giết mổ tập trung và kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y chưa được cải thiện; tình trạng vi phạm về kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật còn phổ biến. Thực trạng thức ăn đường phố còn nhiều bất cập; các cơ sở kinh doanh nhỏ, bán hàng rong hầu như chưa kiểm soát được về an toàn vệ sinh thực phẩm; việc quản lý phụ gia thực phẩm còn nhiều khó khăn.

Trong "Tháng hành động vì chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm" năm 2010 (15/4-15/5), các đoàn kiểm tra liên ngành trung ương và địa phương đã thanh tra, kiểm tra được trên 210.000 cơ sở, phát hiện hơn 52.000 cơ sở không đạt yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm. Các vi phạm chủ yếu của các cơ sở sản xuất, kinh doanh là điều kiện vệ sinh cơ sở chưa đảm bảo, không thực hiện đúng quy định công bố tiêu chuẩn sản phẩm.

Thời gian tới Cục An toàn vệ sinh thực phẩm tiếp tục thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm; phân tích nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, giám sát chặt chẽ nguy cơ ngộ độc thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm.

Đồng thời, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm sẽ tăng cường truyền thông, giáo dục các kiến thức và pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm, đạo đức kinh doanh; đầu tư nâng cao năng lực kiểm nghiệm để công tác giám sát, thanh tra và kiểm tra về an toàn vệ sinh thực phẩm được kịp thời, chính xác và hiệu quả./.

Thu Phương (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục