33% diện tích đất trên toàn cầu bị xuống cấp trầm trọng

Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon dẫn thống kê của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) cho thấy có tới khoảng 33% diện tích đất đai trên toàn cầu đã bị xuống cấp trầm trọng.
33% diện tích đất trên toàn cầu bị xuống cấp trầm trọng ảnh 1Đáy hồ Aleixo ở khu vực Manaus, Amazonas, Brazil nứt nẻ do hạn hán ngày 23/10. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Nhân Ngày Đất đai Thế giới lần thứ hai đồng thời kết thúc Năm Quốc tế Đất đai 2015, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon dẫn thống kê của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) cho thấy có tới khoảng 33% diện tích đất đai trên toàn cầu đã bị xuống cấp trầm trọng.

Ông nhấn mạnh "cần phải có chính sách quản lý đất đai một cách bền vững để đảo ngược xu thế này" và đây là nền tảng để đạt được những mục tiêu phát triển thiên niên kỷ.

Tổng thư ký Ban Ki-moon cũng phát đi thông điệp kêu gọi các quốc gia nỗ lực giải quyết tình trạng đất đai bị xuống cấp trầm trọng do phải chịu một loạt tác động từ hiện tượng đô thị hóa ồ ạt, sa mạc hóa, biến đổi khí hậu, đến khai thác và quản lý đất đai thiếu hiệu quả, không bền vững.

Cũng trong thông điệp nêu trên, ông Ban Ki-moon đã nêu bật mối liên hệ giữa quản lý đất đai một cách bền vững với tình trạng biến đổi khí hậu.

Theo ông, các quốc gia cần gắn liền việc sử dụng các hệ sinh thái trên mặt đất một cách bền vững với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu vì khả năng hấp thụ khí CO2 của đất có thể làm giảm thiểu được đáng kể tình trạng biến đối khí hậu.

Tháng 12/2014, FAO đã phát động chiến dịch toàn cầu, chọn 2015 là năm Quốc tế về đất đai nhằm bảo vệ “đồng minh thầm lặng” - như cách gọi của Tổng Giám đốc FAO José Graziano da Silva.

Trong tuyên bố phát động Năm Quốc tế Đất đai 2015, FAO đã nêu lên thực trạng đáng báo động, đó là dân số thế giới ngày một tăng đòi hỏi nhu cầu cung cấp lương thực ngày càng cao trong khi hoạt động sản xuất này phụ thuộc chủ yếu vào diện tích cũng như chất lượng hiệu quả của đất đai.

Trong khi đó, hiện có đến 33% diện tích đất trên toàn cầu hiện nay, chủ yếu gồm đất đai phục vụ sản xuất lương thực, bị xuống cấp trầm trọng hay bị mất đi do hiện tượng đô thị hóa ồ ạt, sa mạc hóa, biến đổi khí hậu, khai thác quá mức, sử dụng và quản lý đất đai thiếu hiệu quả, không bền vững. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến năng suất, sản lượng lương thực toàn cầu giảm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục