34% tai nạn giao thông có liên quan đến rượu, bia

Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Tổ chức Y tế thế giới vừa triển khai chương trình phòng chống uống rượu, bia và lái xe.

Nằm trong chương trình phát động Tháng an toàn giao thông, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Tổ chức Y tế thế giới vừa triển khai chương trình phòng chống uống rượu, bia và lái xe tại Việt Nam ngày hôm nay, 31/8.


Chương trình sẽ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức của cộng đồng, quy định của pháp luật về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; tập huấn tăng cường năng lực và trang bị máy đo nồng độ cồn cho lực lượng cảnh sát giao thông; đặc biệt, các chiến dịch cưỡng chế xử lý các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về nồng độ cồn.

Ông Jean-Marc Olivé, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết: "Rượu, bia là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn giao thông tại Việt Nam. Một số nghiên cứu cho thấy 6% tai nạn thương tích giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia; 34% số nạn nhân là người điều khiển phương tiện đã tử vong vì tai nạn giao thông có nồng độ cồn trong máu."

“Cưỡng chế là công tác cực kỳ quan trọng trong nỗ lực giảm thiểu tai nạn giao thông, đặc biệt là đối với người điều khiển phương tiện vi phạm quy định của pháp luật về nồng độ cồn,” ông Olivé cho biết thêm.

Ông Thân Văn Thanh, Ủy viên thường trực, Chánh văn phòng thường trực Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết: "Luật Giao thông đường bộ 2008 đã quy định giảm nồng độ cồn cho phép trong máu của người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy từ 80mg/100ml máu xuống 50mg/100ml máu và bằng khôngg đối với lái xe ô tô. Nghị định 34/2010/NĐCP quy định mức phạt tăng rất cao đối với vi phạm về nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện so trước đây.”

Giai đoạn đầu của Chương trình được thực hiện tại hai tỉnh Hà Nam và Ninh Bình đến hết năm 2011.

Chương trình này là một phần trong dự án toàn cầu gồm 10 quốc gia có tai nạn giao thông cao, trong đó có Việt Nam. Thực hiện chương trình gồm các đối tác quốc tế như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Hiệp hội An toàn giao thông đường bộ toàn cầu (GRSP), Đại học Johns Hopkins cùng phối hợp với các cơ quan liên quan tại Trung ương và cấp tỉnh dưới sự điều phối của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia./.

Mạnh Hùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục