36.000 nhân viên hàng không BA tạm nghỉ việc vì COVID-19

Theo thỏa thuận, có tới 80% trong tổng số 45.000 nhân viên của BA sẽ được cho tạm nghỉ việc và hưởng chế độ trợ cấp trả lương từ chính phủ.
Máy bay của hãng hàng không British Airways đỗ tại sân bay Heathrow ở London, Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Máy bay của hãng hàng không British Airways đỗ tại sân bay Heathrow ở London, Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại London, Hãng hàng không quốc gia Anh (BA) sẽ cho 36.000 nhân viên, gồm các nhân viên tổ lái, nhân viên mặt đất, kỹ sư, nhân viên hành chính và nhân viên văn phòng tạm nghỉ việc do ảnh hưởng của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-1.

Người phát ngôn của BA cho biết, hiện hãng đang đàm phán làm rõ thêm một số chi tiết với tổ chức nghiệp đoàn Unite.

Theo thỏa thuận, có tới 80% trong tổng số 45.000 nhân viên của BA sẽ được cho tạm nghỉ việc và hưởng chế độ trợ cấp trả lương từ chính phủ.

Hiện nay, các hoạt động bay của hãng tại các sân bay Gatwick và London City đã tạm ngưng, chỉ còn hoạt động bay tại sân bay quốc tế Heathrow.

BA trước đó đã ký thỏa thuận riêng với 4.500 phi công của hãng, theo đó những người này sẽ nghỉ không lương 2 tuần trong tháng Tư này và tháng Năm tới.

Những nhân viên BA hưởng lương trợ cấp từ chính phủ sẽ được nhận tối đa là 2.500 bảng (trên 3.100 USD)/tháng.

[Dịch COVID-19: Ngành hàng không toàn cầu tiếp tục giảm số chuyến bay]

Hiện BA đang thực hiện các chuyến bay giải cứu các công dân Anh bị mắc kẹt ở nước ngoài theo chương trình 75 triệu bảng của Chính phủ Anh. Tuần này, BA vận chuyển hơn 1.000 người Anh từ Peru về nước.

Các hãng hàng không giá rẻ EasyJet và Virgin cũng có kế hoạch cho tạm nghỉ việc hàng nghìn nhân viên để họ làm việc tình nguyện trong hệ thống y tế công NHS hay tại các siêu thị trong 2 tháng tới.

Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), các hãng hàng không châu Âu dự kiến sẽ mất khoảng 63 tỷ bảng doanh thu trong năm nay do các lệnh cấm bay và ngành hàng không thế giới sẽ mất 252 tỷ bảng, bằng 50% của doanh thu ngành hàng không năm ngoái.

IATA cho rằng nếu các lệnh cấm bay áp dụng trong 3 tháng tại nhiều nơi trên thế giới, nhiều hãng hàng không sẽ không đủ tài chính để cầm cự quá 2 tháng ngừng bay.

Tập đoàn Hàng không Quốc tế, công ty mẹ của BA, hiện có khả năng tài chính tốt hơn các hãng hàng không khác, đã đưa ra gói hỗ trợ 1,1 tỷ bảng cho BA trong môt năm cho đến tháng 6/2021./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục