4 năm sau Brexit: Cán cân được-mất của người Anh và châu Âu

Bốn năm sau cuộc trưng cầu ý dân, phần lớn người dân Anh không hối hận về việc đã bỏ phiếu, nhưng thực tế cho thấy họ bị cô lập hơn và phần nào đã nghèo đi.
Trưởng đoàn đàm phán Brexit của Anh David Frost (trái) tới dự vòng đàm phán về thỏa thuận hậu Brexit ở Brussels, Bỉ ngày 2/3/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Trưởng đoàn đàm phán Brexit của Anh David Frost (trái) tới dự vòng đàm phán về thỏa thuận hậu Brexit ở Brussels, Bỉ ngày 2/3/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Vương quốc Anh đã chính thức rời Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 1/2/2020, nhưng quan hệ thương mại giữa hai bên sẽ không thay đổi cho đến ngày 1/1/2021.

Bốn năm sau cuộc trưng cầu ý dân, phần lớn người dân Anh không hối hận về việc đã bỏ phiếu, nhưng thực tế cho thấy họ bị cô lập hơn và phần nào đã nghèo đi, theo phân tích của một bài báo trên tờ Le monde của Pháp.

Dù đã là nửa năm cuối của giai đoạn chuyển tiếp, nhưng quá trình đàm phán vẫn đang tiếp diễn.

Brexit là một trong những sự kiện mang lại hậu quả sâu sắc dù rất chậm, với những hậu quả được mô tả sẽ “làm rung chuyển các mảng kiến tạo của địa chính trị thế giới.”

Sau những ồn ào và giận dữ trong một số năm gần đây, giờ là lúc đưa ra những đánh giá đầu tiên về hậu quả thực sự của sự kiện.

Bài học đầu tiên, có thể thấy người Anh không thực sự hối hận về quyết định của mình. Tất cả các cuộc thăm dò cho thấy 90% những người đã bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý sẽ đưa ra lựa chọn tương tự, cho dù ủng hộ hay chống Brexit.

Một nhóm thiểu số nhỏ của mỗi bên đã thay đổi suy nghĩ, nhưng sự chuyển biến của hai bên gần như triệt tiêu lẫn nhau.

Xu hướng hầu như ổn định kể từ mùa Hè năm 2017, theo John Curtice, chuyên gia khảo sát tại Đại học Strathclyde của Anh. Sự tiếc nuối nếu có là rất nhỏ và về cơ bản cho thấy rằng đảo quốc vẫn luôn bị chia rẽ như vậy.

Bài học thứ hai, đó là sự thay đổi tình trạng người nhập cư. Nguồn gốc của người nhập cư đã bị đảo lộn. Số người nhập cư vào Anh từ châu Âu đang giảm mạnh, chỉ còn 50.000 người trong năm 2019, ít hơn bốn lần so với hồi năm 2016.

[Anh thừa nhận vẫn có bất đồng đáng kể với Liên minh châu Âu về Brexit]

Đặc biệt, người Ba Lan giờ đây có xu hướng rời khỏi Vương quốc Anh hơn là dừng chân tại đây.

Bài học thứ ba, đó là Vương quốc Anh có vẻ nghèo hơn sau Brexit. Quan hệ thương mại giữa London và Brussels vẫn chưa thay đổi, nhưng đầu tư nước ngoài đã giảm do tình hình không chắc chắn.

Các viện kinh tế khác nhau ước tính rằng nước Anh đã đánh mất khoảng 3 điểm phần trăm Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong 4 năm qua.

Giờ đây, các mối quan hệ thương mại trong tương lai giữa London và EU vẫn còn bỏ ngỏ. Bốn tuần đàm phán đã được lên kế hoạch vào tháng Bảy, nhưng không ai có thể tin chắc chắn về việc sẽ đạt thỏa thuận trước tháng Chín.

Kịch bản không thỏa thuận dẫu không phải tình huống có khả năng cao nhất, nhưng sẽ không bị loại trừ.

4 năm sau Brexit: Cán cân được-mất của người Anh và châu Âu ảnh 1Cờ Anh (phía dưới) và cờ EU (phía trên) tại London, Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tuy nhiên, điều kỳ lạ là vấn đề này dường như không còn quan trọng như xưa. Người Anh từ lâu đã từ bỏ hoàn toàn thương mại thông suốt với EU.

Bây giờ họ đang tuyên bố các tiêu chuẩn và chính sách thương mại của riêng mình. Đây hoàn toàn là quyền của nước Anh, nhưng hậu quả logic là việc kiểm soát biên giới đối với hàng hóa sẽ không thể tránh khỏi.

Các công ty sẽ phải thực hiện khai báo xuất nhập khẩu. Vấn đề duy nhất còn lại là liệu thuế quan hay hạn ngạch sẽ được đưa ra?

Nhóm nghiên cứu đại học mang tên “Nước Anh trong một châu Âu thay đổi” ước tính rằng với phương án không có thỏa thuận, Vương quốc Anh sẽ mất 9 điểm phần trăm GDP trong 10 năm.

Tuy nhiên, ngay cả khi có thỏa thuận thì con số hao hụt vẫn lên tới 6 điểm phần trăm. Sự khác biệt giữa hai kịch bản là không thể xem nhẹ, dù đó vẫn chưa phải điểm mấu chốt.

Đòn giáng kinh tế cần thời gian để có thể lượng hóa, nhưng dần dần nhiều bộ phận của một số ngành công nghiệp sẽ bị phá nát hoặc buộc phải tái cơ cấu - đặc biệt là lĩnh vực sản xuất ôtô.

Bài học cuối cùng, đó là Brexit trao cho EU cơ hội phát triển tự do hơn. Người Anh không còn có thể ngăn chặn tiến độ xây dựng Liên minh châu Âu.

Cho đến năm ngoái, Anh vẫn phản đối đề xuất quỹ kích thích kinh tế trị giá 750 tỷ euro đang được thảo luận tại Brussels.

Vương quốc Anh có lẽ sẽ là “người tiên phong” trong số những quốc gia muốn ngăn chặn sự tái phân phối ở cấp độ châu Âu. Khi Anh vắng mặt, bốn nước Hà Lan, Thụy Điển, Áo, Đan Mạch sẽ mất đi một đồng minh mạnh.

Tuy nhiên, những người ủng hộ châu Âu sẽ sai lầm khi vui mừng quá nhanh. Đầu tiên, quỹ kích thích chưa tồn tại và các cuộc tranh luận vẫn còn kéo dài.

Tiếp đó, quỹ sẽ chỉ có thể được phân phối vào năm 2021, hoặc thậm chí vào năm 2022 và 2023, là rất muộn trong hoàn cảnh cuộc khủng hoảng hiện tại. Trong thời gian đó, Vương quốc Anh tất nhiên sẽ không được hưởng lợi từ quỹ kích thích kinh tế, nhưng sẽ được tự do thực hiện chính sách ngân sách và kinh tế mà họ muốn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục