4 nội dung chính đối thoại của Tổng thống Putin với người dân

4 nội dung chính buổi đối thoại của Tổng thống Putin với người dân

Nhà lãnh đạo nước Nga đã nhận được hơn 2 triệu câu hỏi của người dân gửi về từ khắp đất nước và tập trung trả lời vào 4 vấn đề lớn.
4 nội dung chính buổi đối thoại của Tổng thống Putin với người dân ảnh 1Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc đối thoại. (Nguồn: AFP)

Vào lúc 12 giờ trưa ngày 16/4 (theo giờ Moskva, tức 4 giờ chiều cùng ngày theo giờ Hà Nội), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc đối thoại thường niên trực tiếp qua truyền hình với người dân.

Đây là cuộc đối thoại hàng năm lần thứ 13 của Tổng thống Putin. Nhà lãnh đạo nước Nga đã nhận được hơn 2 triệu câu hỏi của người dân gửi về từ khắp đất nước.

Các chủ đề mà người dân Nga quan tâm bao gồm lệnh cấm vận của phương Tây và cuộc khủng hoảng kinh tế đang xảy ra tại Nga. Bên cạnh đó, chính sách đối ngoại, trong đó trọng tâm là những căng thẳng giữa Nga với phương Tây xung quanh cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine, cũng được người dân Nga chất vấn người đứng đầu đất nước.


Kinh tế Nga sẽ lấy lại đà tăng trưởng trong vòng 2 năm

Tổng thống Putin bắt đầu từ những câu hỏi về tình hình kinh tế của Nga. Ông Putin cho biết đến nay, Nga đã vượt qua được đỉnh điểm khó khăn khi đồng ruble đã tăng giá nhanh hơn mức tăng của giá dầu thô. Kinh tế Nga năm 2014 đã tăng trưởng 0,6%, ngăn ngừa được lạm phát phi mã và mức lạm phát 3,7% hoàn toàn có thể chấp nhận được.

Tổng thống Putin dự báo kinh tế Nga sẽ trở lại đà tăng trưởng sau khoảng 2 năm tới, đồng thời cho rằng ít có khả năng Phương Tây sớm dỡ bỏ trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga.

4 nội dung chính buổi đối thoại của Tổng thống Putin với người dân ảnh 2 Quang cảnh buổi đối thoại với người dân của Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Nguồn: AFP)

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng các biện pháp trừng phạt của Phương Tây mang lại các cơ hội cho nền kinh tế nước này chinh phục các ngưỡng phát triển mới.

Ông Putin nói: “Chúng ta cần tranh thủ tình thế bị trừng phạt này để vươn tới các cấp độ phát triển mới. Tôi hy vọng rằng điều này sẽ đưa chúng ta đến với sự phát triển nhanh hơn các công nghệ tiên tiến trong nền kinh tế Nga.”

Ông Putin cũng bày tỏ tin tưởng vào các biện pháp chống khủng hoảng mà Chính phủ Nga đang áp dụng và khẳng định Nga “chắc chắn có đủ các nguồn lực” để đối phó với các vấn đề kinh tế hiện nay.

Không thể xảy ra chiến tranh Nga-Ukraine

Về quan hệ Nga-Ukraine, Tổng thống Putin khẳng định người Nga và người Ukraine là một dân tộc.

Ông Putin lấy làm tiếc về quyết định mở chiến dịch quân sự ở miền Đông của lãnh đạo Ukraine, đồng thời cho rằng chính đường lối đối nội của lãnh đạo Ukraine đã đẩy vùng Donbass ra xa.

Moskva yêu cầu chính quyền Kiev thực hiện thỏa thuận Minsk và một lần nữa khẳng định không có con đường nào khác ngoài giải pháp chính trị cho cuộc xung đột tại đây.

Ông Putin đã phản đối mạnh mẽ sự can thiệp của phương Tây vào công việc nội bộ của nước khác, cũng như phủ nhận sự hiện diện của quân đội Nga trên lãnh thổ Ukraine.

Ông tuyên bố khả năng xảy ra chiến tranh với nước láng giềng Ukraine là "không thể."

Tổng thống Putin kêu gọi chính quyền Kiev thể hiện sự mềm dẻo và ý chí chính trị để người dân vùng Donbass có cơ hội được tự quyết định tương lai. Mặt khác, Tổng thống Nga khẳng định sẽ giúp Ukraine thoát khỏi khủng hoảng kinh tế và hỗ trợ nước này trong lĩnh vực năng lượng.


Nga sẽ không bao giờ là một nước “chư hầu”

Về căng thẳng hiện nay giữa Nga và phương Tây, Tổng thống Putin khẳng định Moskva sẽ không “giận dỗi,” xa lánh hay tự cô lập mình mà luôn sẵn sàng hợp tác, bất chấp thái độ thù địch của một số nước.

Tuy nhiên, ông Putin nhấn mạnh để khôi phục lại quan hệ, Mỹ và phương Tây cần phải có thái độ tôn trọng đối với nước Nga và Nga sẽ không bao giờ là một nước “chư hầu.”

Theo nhà lãnh đạo nước Nga, các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp dụng với Nga liên quan đến vấn đề Ukraine không có tác dụng.

Ông nhấn mạnh "Gây sức ép với nước Nga sẽ không bao giờ có hiệu quả mà cần phải tìm kiếm sự thỏa hiệp."

Ông cũng lên án các biện pháp trừng phạt Nga của phương Tây hoàn toàn mang động cơ chính trị và "không liên quan trực tiếp đến các sự kiện ở Ukraine."

Về thương vụ mua hai chiến hạm lớp Mistral của Pháp, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng việc Pháp quyết định không thực hiện hợp đồng trị giá 1,2 tỷ euro cung cấp cho Moskva 2 chiến hạm chở trực thăng lớp Mistral sẽ không làm suy yếu các năng lực phòng thủ của nước này.

Trả lời người dân trên truyền hình, ông Putin nhấn mạnh: "Tất nhiên, việc (Pháp) từ chối cung cấp những chiến hạm này theo hợp đồng hiện hành là tín hiệu xấu. Tuy nhiên, đối với chúng ta, về mặt duy trì các năng lực phòng thủ... không thành vấn đề."

Bên cạnh đó, ông còn cho biết: "Chúng tôi định tìm kiếm các hình phạt... song điều cần thiết là toàn bộ các chi phí mà chúng ta gánh chịu phải được đền bù. Tôi cho rằng ban lãnh đạo Pháp hiện nay và người dân Pháp nói chung đều là những người tốt, sẽ hoàn tiền cho chúng ta."


Nga cung cấp hệ thống S-300 cho Iran là hợp pháp

4 nội dung chính buổi đối thoại của Tổng thống Putin với người dân ảnh 3Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc đối thoại. (Nguồn: AFP)

Liên quan đến việc Nga vừa dỡ bỏ lệnh cấm cung cấp hệ thống tên lửa S-300 cho Iran, Tổng thống Putin cho rằng quyết định của Nga là do Tehran đã thể hiện quan điểm mềm mỏng hơn trong đàm phán hạt nhân, do vậy cần phải khích lệ Tehran.

Ông nhấn mạnh hệ thống tên lửa S-300 cũng không nằm trong danh mục hàng hóa bị Liên hợp quốc áp lệnh cấm đối với Iran, đồng thời tái khẳng định việc cung cấp tên lửa S-300 cho Iran không đe dọa Israel hay bất kỳ quốc gia nào khác tại Trung Đông.

Cuộc đối thoại giữa người dân Nga với Tổng thống Putin được truyền hình trực tiếp trên các kênh truyền hình lớn và đài phát thanh của Nga. Gần 250 nhà báo trong nước và quốc tế đã đưa tin trực tiếp từ Điện Kremli.

Năm ngoái, Tổng thống Putin đã trả lời trong suốt 3 giờ 55 phút. Năm 2013, nhà lãnh đạo này đã phá kỷ lục với màn hỏi đáp dài tới 4 giờ 47 phút./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục