4 sáng kiến cải cách hệ thống tài chính quốc tế

Tại hội nghị thượng đỉnh không chính thức ngày 7/11 ở Brussels, Bỉ, lãnh đạo 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức thông qua bản đề xuất gồm 4 sáng kiến chính về cải cách hệ thống tài chính quốc tế.

Tại hội nghị thượng đỉnh không chính thức ngày 7/11 ở Brussels, Bỉ, lãnh đạo 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức thông qua bản đề xuất gồm 4 sáng kiến chính về cải cách hệ thống tài chính quốc tế.

Như vậy, EU đã thống nhất được quan điểm chung trước khi tham dự hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế lớn và đang nổi lên của thế giới (G-20) ở Washington (Mỹ) ngày 15/11 tới để tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay.

Bản đề xuất, do Pháp - nước Chủ tịch luân phiên EU đưa ra và đã được các bộ trưởng tài chính trong khối thông qua ngày 4/11, nêu bật 4 điểm chính sau: tăng cường vai trò cho các thể chế tài chính quốc tế chủ chốt, đặc biệt là Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB); đặt quy định cho tất cả các lĩnh vực của hệ thống tài chính; tăng cường tính minh bạch trên các thị trường tài chính và kiểm soát chặt chẽ hệ thống thanh toán; thiết lập hệ thống tốt hơn về cảnh báo sớm và đánh giá rủi ro đối với hệ thống tài chính toàn cầu.

Theo thỏa thuận đạt được, các nước EU mong muốn IMF cũng như WB sẽ giữ vai trò chủ chốt trong việc đề ra các quy định chung và giám sát hệ thống tài chính toàn cầu. Những thể chế này có nhiệm vụ ngăn chặn các cuộc khủng hoảng tài chính bằng những công cụ được hiện đại hóa và nguồn lực tài chính mạnh để có thể can thiệp hiệu quả cũng như hỗ trợ các nước chịu khủng hoảng.

Về điểm thứ hai, lãnh đạo các nước EU nhấn mạnh không một thể chế tài chính nào, không một thị trường nào, không một vùng lãnh thổ nào được nằm ngoài các quy định chung của thế giới. Hệ thống tài chính quốc tế mới phải dựa trên các nguyên tắc của trách nhiệm giải trình và sự minh bạch, được đảm bảo thông qua các phương tiện thông tin toàn diện hơn. Cuối cùng là một hệ thống cảnh báo sớm phải nhanh chóng phát hiện và đưa ra được những đánh giá chính xác về độ rủi ro nhằm tránh để xảy ra các cuộc khủng hoảng như hiện nay trong tương lai.

Các nước EU cũng nhất trí cho rằng hội nghị thượng đỉnh G-20 vào tuần tới sẽ chỉ là điểm khởi đầu cho nỗ lực giải quyết khủng hoảng và phục hồi hệ thống tài chính toàn cầu. EU kêu gọi tổ chức hội nghị thứ hai vào đầu mùa Xuân năm tới để "thực hiện triệt để cuộc cải tổ hệ thống tài chính toàn cầu".

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cho rằng hội nghị G-20 tới có thể chưa quyết định ngay được các vấn đề, song "không được để mất thời giờ" và hội nghị không thể trở thành nơi chỉ "nói chuyện suông". Ông đề nghị đặt thời hạn chót 100 ngày để các nhà lãnh đạo thế giới quyết định về các biện pháp cải cách hệ thống tài chính toàn cầu.

Tại hội nghị ở Brussels, lãnh đạo 27 nước EU đã nhất trí tăng gấp đôi mức trần viện trợ khẩn cấp cho các nước thành viên bị ảnh hưởng nặng nề trong cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay từ 12 tỉ euro (15 tỉ USD) lên 25 tỉ euro (32 tỉ USD). Hungary đã trở thành nước đầu tiên trong khối phải viện tới quỹ cứu trợ khủng hoảng trên của EU và đầu tuần qua, EU đã quyết định rót 6,5 tỉ euro (8,3 tỉ USD) giúp nước này chống lại cơn bão tài chính./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục