4 tháng đầu năm, cả nước xảy ra gần 550 vụ cháy

Bốn tháng đầu năm, cả nước xảy ra 546 vụ cháy nổ, gây thiệt hại hơn 128 tỷ đồng, trong đó có nhiều vụ cháy xảy ra tại khu dân cư.
Theo Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, 4 tháng đầu năm 2012, cả nước đã xảy ra 546 vụ cháy, nổ làm 23 người chết, 42 người bị thương và gây thiệt hại về tài sản trị giá 128,452 tỷ đồng (chưa kể thiệt hại vụ cháy chợ Quảng Ngãi). Trong đó, đáng chú ý là các vụ cháy xảy ra tại khu dân cư, gây chết nhiều người.

Điển hình, tối 7/4, tại khu nhà trọ thuộc Khu phố 1B (phường An Phú, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) đã xảy ra vụ nổ khí gas, làm cháy 5 phòng trọ, 10 người bị bỏng nặng. Nguyên nhân gây cháy là do bất cẩn khi sử dụng, để khí gas bị rò rỉ.

Hay rạng sáng ngày 22/4, đã xảy ra vụ hỏa hoạn tại số nhà 39 Phù Đổng, Pleiku (Gia Lai) làm ba chị em ruột bị thiệt mạng. Vụ cháy tiệm vàng tại Cần Thơ vào sáng 27/4, khiến bốn người trong một gia đình (hai vợ chồng và hai con nhỏ) tử vong.

Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho biết, nguyên nhân gây ra các vụ cháy, nổ hiện nay chủ yếu là do sử dụng điện, xăng dầu, khí đốt hóa lỏng và ý thức chấp hành các quy định về phòng cháy, chữa cháy của người dân, các cơ sở sản suất, kinh doanh trong việc phòng cháy, chữa cháy chưa tốt.

Để chủ động phòng ngừa và hạn chế các vụ cháy, nổ trong thời gian tới, Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn khuyến cáo các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo kiểm tra, rà soát và khắc phục kịp thời các sơ hở, thiếu sót, vi phạm về phòng cháy, chữa cháy nhằm loại trừ các nguy cơ có thể dẫn đến cháy, nổ. Đặc biệt cần tập trung vào các đối tượng nhà cao tầng; chợ, trung tâm thương mại; khu dân cư tập trung; khu công nghiệp.

Các bộ, ngành và địa phương cần củng cố, xây dựng, duy trì hoạt động và phát triển lực lượng phòng cháy, chữa cháy tại chỗ để thực hiện tốt nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy tại cơ sở; tổ chức thực tập phương án phòng cháy, chữa cháy đối với các cơ sở có nguy hiểm cao về cháy, nổ, trong đó chú trọng các phương án chữa cháy có huy động nhiều lực lượng và phương tiện tham gia.

Bên cạnh đó, cần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở trong việc tổ chức thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy; tăng cường thực hiện chức năng quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy, đẩy mạnh xã hội hóa, quan tâm đầu tư công tác phòng cháy, chữa cháy.

Các cơ quan thông tin đại chúng cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền phổ biến những quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy; các biện pháp, giải pháp thoát nạn, cứu người và việc đảm bảo quy định an toàn về phòng cháy, chữa cháy./.

PV (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục