40 năm sau giải phóng, Quảng Nam là đầu tàu kinh tế miền Trung

Từ một vùng đất bị quân thù tàn phá khốc liệt, 40 năm sau giải phỏng, Quảng Nam đã hàn gắn vết thương chiến tranh, vươn mình phát triển và trở thành tỉnh đầu tàu khu vực trọng điểm kinh tế miền Trung.
40 năm sau giải phóng, Quảng Nam là đầu tàu kinh tế miền Trung ảnh 1Ngư dân Quảng Nam đóng tàu thuyền công suất mới khai thác hải sản. (Ảnh: Đoàn Hữu Trung/TTXVN)

40 năm sau ngày giải phóng (1975-2015), từ một vùng đất bị quân thù giày xéo, tàn phá, gây bao đau thương vào loại bậc nhất của cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Nam anh hùng đã cùng nhau chung sức, chung lòng, nỗ lực xây dựng quê hương, hàn gắn vết thương chiến tranh, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống người dân, đảm bảo an sinh xã hội.

Những con người ở vùng đất “Trung dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ” trong kháng chiến vươn mình đứng lên, góp phần xây dựng Quảng Nam là tỉnh đầu tàu trong khu vực trọng điểm kinh tế  miền Trung.

Trong hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc kéo dài suốt 30 năm (1945-1974), quân và dân Quảng Nam đã anh dũng đứng lên giữ đất giữ làng, từng bước đánh thắng mọi âm mưu thủ đoạn của kẻ thù xâm lược, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Tuy nhiên, để đạt được thành tích này, hơn 65.000 liệt sỹ và nhiều người con ưu tú ở mọi miền đất nước đã hy sinh vì Quảng Nam.

Đến nay, toàn tỉnh có 11.234 Bà mẹ Việt Nam anh hùng và hàng trăm tập thể, cá nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; hàng chục ngàn người là thương binh, bệnh binh, gia đình có công với cách mạng.

Sau ngày thống nhất đất nước năm 1975, Quảng Nam tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh. Được sự hỗ trợ của Trung ương Đảng, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, Đảng bộ, quân và nhân dân tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng đã giành được những thành tựu quan trọng.

Điểm nổi bật trong thời kỳ này, Quảng Nam-Đà Nẵng là tỉnh đi đầu trong việc thực hiện khai hoang, vỡ hóa, phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, xây dựng công trình đại thủy nông Phú Ninh...

Cùng với tập trung lãnh đạo phục hồi, phát triển nông nghiệp, Tỉnh ủy đã lãnh đạo đẩy mạnh công nghiệp hóa, một số ngành công nghiệp chủ yếu của tỉnh như cơ khí, khai khoáng, vật liệu xây dựng, dệt-may, hóa chất, khai thác, chế biến, nuôi trồng thủy, hải sản, các ngành xuất nhập khẩu, giao thông vận tải... hình thành và phát triển.

Những chủ trương đó đã tạo nên bước nhảy vọt về tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, làm cho một tỉnh từ bao đời thiếu hụt lương thực trở thành một địa phương đủ lương thực và là một trong những tỉnh có nền công nghiệp phát triển ở miền Trung...

Trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Quảng Nam-Đà Nẵng đứng trước những thời cơ, vận hội mới để phát triển; đồng thời, không ít những khó khăn, thách thức.

Năm 1997, với sự kiện lịch sử chia tách tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng thành hai đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương là tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng đã mở ra thời kỳ phát triển mới đối với Đảng bộ và nhân dân Quảng Nam .

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh cho biết, khi mới tái lập, Quảng Nam là một tỉnh nông nghiệp thuần túy. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 1997, chỉ đạt 607,3 tỷ đồng, bằng 1/2 giá trị sản xuất nông nghiệp; kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội kém, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, thiếu trường học và bệnh viện.

Tuy nhiên, với tinh thần quyết tâm đổi mới, trước hết là đổi mới tư duy chủ động, sáng tạo, tập trung trí tuệ tháo gỡ khó khăn; phát huy lợi thế; huy động nội lực; thu hút đầu tư; tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương, sự hỗ trợ của các tỉnh, thành phố trong cả nước và của bạn bè quốc tế, nhất là chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, sau hơn 18 năm tái lập tỉnh, đã tạo nên sự chuyển biến tích cực về kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng tạo tiền đề vững chắc để Quảng Nam phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới.

Những năm gần đây, tổng sản phẩm trên địa bàn Quảng Nam luôn giữ ở mức tăng cao, năm 2014 tăng 11,4%/năm. So với năm 1997, tổng sản phẩm bình quân đầu người tăng gần 20 lần, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực.

Từ một trong các tỉnh nghèo nhất của cả nước, thu ngân sách trên địa bàn thấp, hoàn toàn lệ thuộc vào trợ cấp kinh phí từ Trung ương, đến nay tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt gần 9.000 tỷ đồng, đứng vào hàng các tỉnh phát triển khá trong khu vực và cả nước.

Lĩnh vực dịch vụ, nhất là du lịch có bước phát triển đột phá, đặc biệt là sau khi đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, Cù Lao Chàm được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới đã thu hút khách trong và ngoài nước đến tham quan, lưu trú ngày càng nhiều, trung bình có trên 2,5 triệu lượt khách năm.

Ông Nguyễn Thành, nguyên Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam, Trưởng Ban binh địch vận tỉnh Quảng Nam trong kháng chiến chống Mỹ cho biết, bước ra từ chiến tranh với những vết thương tưởng chừng như không gì hàn gắn nổi, nhưng với sự nỗ lực của Đảng, bộ, chính quyền và nhân dân, Quảng Nam đã vượt lên chính mình, tiếp nối truyền thống, xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Bản thân chúng tôi là những người con của quê hương nhưng cũng ngỡ ngàng với những bước tiến vượt bậc của Quảng Nam .

Cùng với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa, xã hội, xây dựng con người có bước phát triển mạnh mẽ và là yếu tố đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Đến nay, toàn tỉnh có 754 trường phổ thông các cấp, cơ bản đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ học tập cho con em; 100% các huyện, thành phố hoàn thành phổ cập tiểu học và trung học cơ sở; 24% số trường đạt chuẩn quốc gia;...

Từ chỗ chỉ có 3 cơ sở đào tạo trung cấp chuyên nghiệp, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 2 trường đại học, 6 trường cao đẳng, 3 trường trung cấp chuyên nghiệp và nhiều cơ sở đào tạo nghề, tạo bước chuyển biến mới trong công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ cán bộ y tế trên địa bàn tỉnh phát triển về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân; quy mô giường bệnh từ 2.500 giường vào năm 1997, nay tăng lên gần 3.500 giường, đạt 22,5 giường bệnh/vạn dân; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện và nâng lên rõ rệt.

Công tác giảm nghèo được tỉnh triển khai quyết liệt, đến nay tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn khoảng trên 10%. Đồng thời, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tỉnh đầu tư đáng kể, đến cuối năm 2014 có 10 xã đạt chuẩn, Quảng Nam phấn đấu cuối năm 2015 có 50 xã (20% tổng số xã) đạt chuẩn nông thôn mới.

Với những thành tựu to lớn trong 40 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Quảng Nam vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng phần thưởng cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh.

Năm 2014 vừa qua, Quảng Nam được bình chọn là đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua các tỉnh duyên hải miền Trung.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu bộc bạch, trong xây dựng và phát triển kinh tế, Quảng Nam tập trung lãnh đạo thực hiện 3 nhiệm vụ đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư và xây dựng phát triển nguồn nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Trọng tâm là xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ.

Đến nay, sân bay Chu Lai, cảng Kỳ Hà được xây dựng đưa vào hoạt động, mở cửa khẩu biên giới với tỉnh Sê Kông (Lào); các tuyến đường giao thông được nâng cấp, xây dựng mới đã hình thành nên mạng lưới giao thông thông suốt từ trong nước đến nước ngoài, từ tỉnh đến các huyện, thành phố...

Cùng với thực hiện các nhiệm vụ đột phá, Quảng Nam còn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quy hoạch, thu hút đầu tư, xây dưng hệ thống các khu, cụm công nghiệp, nhằm tạo sự tác động phát triển hài hòa giữa các vùng của tỉnh; thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chú trọng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp.

Bên cạnh đó, chú trọng đầu tư thực hiện Chương trình nông thôn mới, xây dựng phát triển hệ thống đô thị của tỉnh. Đến nay, tỉnh Quảng Nam có 2 thành phố là thành phố tỉnh lỵ Tam Kỳ, thành phố sinh thái-văn hóa, du lịch Hội An và huyện Điện Bàn đã được công nhận là thị xã, cùng với việc nâng cấp hệ thống các thị trấn, thị tứ... đã làm cho bộ mặt từ nông thôn, miền núi đến thành thị có nhiều thay đổi.

Ông Nguyễn Đức Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam nhấn mạnh, để đạt được kết quả như hiện nay là do có sự đồng thuận của toàn Đảng bộ, chính quyền cũng như quân và dân Quảng Nam; sự nỗ lực liên tục của toàn Đảng bộ, cả hệ thống chính trị và cộng đồng các dân tộc ở tỉnh Quảng Nam; là sự thể hiện cụ thể bản lĩnh của Đảng bộ về lựa chọn hướng đi đúng; xác định những vấn đề đột phá và vận dụng linh hoạt cơ chế; dám nghĩ, dám làm để xây dựng và phát triển Quảng Nam.

Thế hệ cán bộ trẻ kế cận hôm nay, không ngừng được bồi dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn ngày càng được nâng cao, đó là tiền đề để Quảng Nam tiếp tục bay cao, bay xa.

Năm 2015 là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015 và là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXI và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.

Trong bối cảnh đó, Quảng Nam tiếp tục ra sức phấn đấu thực hiện cao nhất các mục tiêu nhiệm vụ chính trị năm 2015 và cả nhiệm kỳ 2010-2015; trong đó, tập trung chuẩn bị và tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII của Đảng; tổ chức các chương trình hành động, phong trào thi đua yêu nước, tạo sinh khí mới trong toàn Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân để phấn đấu thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị đã đề ra.

Ngoài ra, tiếp tục thực hiện chủ trương của Trung ương về ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế.

Bên cạnh đó, phát triển kết cấu hạ tầng, hoàn thành các công trình trọng điểm của tỉnh như cầu Cửa Đại, tuyến đường ven biển kết nối vùng Đông của tỉnh với Hội An, Đà Nẵng; hoàn thành nâng cấp Quốc lộ 1A, các tuyến giao thông nông thôn, miền núi và ven biển, hạ tầng các lĩnh vực y tế và giáo dục; quan tâm phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội; chăm sóc sức khỏe nhân dân, tập trung mọi nỗ lực để tiếp tục duy trì giảm sinh vững chắc, chú trọng vào việc nâng cao chất lượng dân số, xây dựng “Gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững.” Đồng thời, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong sạch, vững mạnh; tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh...

Với tình cảm thiêng liêng và trách nhiệm với lịch sử, lòng kính trọng, tri ân đối với sự cống hiến, hy sinh to lớn của những thế hệ đi trước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Nam anh hùng đang phấn đấu, nỗ lực từng ngày góp phần đưa Quảng Nam trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục