45 năm thống nhất đất nước: Xứng danh thành phố mang tên Bác

45 năm sau ngày thống nhất đất nướ, Đảng bộ và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã phấn đấu không ngừng để xây dựng và phát triển quê hương ngày càng văn minh hiện đại, xứng danh thành phố mang tên Bác.
Sau 45 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Thành phố Hồ Chí Minh đã có những bước phát triển nhanh và bền vững. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)
Sau 45 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Thành phố Hồ Chí Minh đã có những bước phát triển nhanh và bền vững. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

Mùa xuân năm 1975, với sự động viên sức người, sức của to lớn của cả nước, quân dân ta trên khắp chiến trường miền Nam mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giành toàn thắng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

45 năm sau, tiếp nối truyền thống cách mạng với tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, với ý chí và nghị lực phi thường, Đảng bộ và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã phấn đấu không ngừng để xây dựng và phát triển quê hương ngày càng văn minh hiện đại, xứng danh thành phố mang tên Bác.

Phát triển vượt bậc trên mọi lĩnh vực

45 năm sau ngày giải phóng, Thành phố Hồ Chí Minh đã có sự phát triển vượt bậc trên mọi lĩnh vực, đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện, tạo sự chuyển biến căn bản trong đời sống kinh tế-xã hội, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của vùng và cả nước.

Những năm đầu sau giải phóng, Thành phố Hồ Chí Minh đã phải trải qua một giai đoạn đầy khó khăn và phức tạp khi vừa phải hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế vừa phải giữ vững ổn định chính trị.

Trong 10 năm (1975-1985), tổng sản phẩm nội địa (GDP) của thành phố chỉ tăng bình quân 2,7%/năm. Bước vào thời kỳ đổi mới, từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (năm 1986) đến nay, thành phố đã nỗ lực vươn lên, phát triển sản xuất, từng bước khẳng định vị trí “đầu tàu kinh tế của cả nước.”

Kinh tế thành phố tăng trưởng liên tục. Đặc biệt, giai đoạn 1991-2010, thành phố là một trong rất ít địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân hai con số trong suốt 20 năm.

Trong giai đoạn 2011-2015, GDP của thành phố ước đạt 9,6%, cao hơn 1,6 lần tốc độ tăng trưởng chung của cả nước. Năm 2016, GRDP Thành phố tăng 8,05%, năm 2017 tăng 8,25%, năm 2018 tăng 8,3% và năm 2019 tăng 8,32%.

[Những hình ảnh miền Nam chuyển mình mạnh mẽ cùng đất nước]

Cơ cấu kinh tế duy trì theo hướng tích cực, khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất 61,2% và khu vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng rất ít, chỉ 0,7%. Quy mô kinh tế của Thành phố hiện chiếm gần 1/4 quy mô kinh tế của cả nước, đóng góp trên 30% nguồn thu ngân sách quốc gia.

Thành phố Hồ Chí Minh hiện là trung tâm thương mại-dịch vụ lớn của cả nước với hơn 25% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ; là cái nôi xuất khẩu với hơn 36% kim ngạch; là trung tâm công nghiệp của khu vực phía Nam và cả nước với nhiều cơ sở công nghiệp hiện đại, đa dạng ngành nghề.

45 năm thống nhất đất nước: Xứng danh thành phố mang tên Bác ảnh 1Một góc Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thế Anh/TTXVN)

Thành phố cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng khu chế xuất, cùng với trên 10 khu công nghiệp đang đóng vai trò quan trọng trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đây cũng là nơi đi đầu trong công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao.

Đặc biệt, Thành phố Hồ Chí Minh luôn là một trong những địa phương dẫn đầu trong thu hút đầu tư nước ngoài. Từ năm 2017, quy mô đầu tư nước ngoài vào Thành phố vượt mốc 5 tỷ USD/năm và từ năm 2018, số dự án đầu tư nước ngoài vượt mốc 1.000 dự án/năm.

Năm 2019 thu hút đầu tư nước ngoài của thành phố đạt 8,3 tỷ USD, đứng thứ 2 cả nước, với 1.620 dự án. Tính đến hết năm 2019, thành phố đã thu hút được trên 53 tỷ USD, chiếm trên 13% tổng vốn đầu tư của cả nước, góp phần quan trọng trong việc dịch chuyển cơ cấu nội bộ ngành kinh tế theo hướng tập trung vào những sản phẩm có giá trị gia tăng cao; đồng thời, tạo ra công ăn việc làm và nâng cao trình độ lao động trong nước thông qua việc chuyển giao các công nghệ tiên tiến, hiện đại của thế giới...

Về đầu tư trong nước, trong năm qua, hành phố có thêm 44.004 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 643.244 tỷ đồng. Số doanh nghiệp của Thành phố hiện chiếm khoảng 33% tổng số doanh nghiệp của cả nước.

Đây cũng là là địa phương có mức thu ngân sách cao, năm 2019, thu ngân sách của Thành phố đạt 409.900 tỷ đồng (vượt dự toán 2,7%), chiếm 27% tổng thu ngân sách cả nước.

Cùng với nền kinh tế được duy trì tốc độ tăng trưởng cao, lĩnh vực văn hóa-xã hội đã có nhiều tiến bộ, ngày càng phong phú. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên. Thu nhập bình quân đầu người tại thành phố liên tục tăng.

Nếu như sau giải phóng chỉ đạt 360 USD (năm 1976); năm 1985 là 444 USD; năm 1995 là 712 USD; 2005 là 1.656 USD thì năm 2018 đã đạt hơn 6.000 USD/người/năm (trong khi thu nhập bình quân đầu người của cả nước là gần 2.600 USD/người/năm).

Giáo dục-đào tạo không ngừng phát triển, là địa phương đi đầu cả nước về phổ cập giáo dục, đến nay thành phố đã hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục bậc Tung học phổ thông, nâng cao mặt bằng dân trí... Việc phát triển khoa học-công nghệ cũng tập trung cho mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của thành phố, đi sâu ứng dụng trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng... tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ có chất lượng và sức cạnh tranh cao...

[Đỉnh cao của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975]

Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân có nhiều tiến bộ, là trung tâm của cả nước và trong khu vực về nghiên cứu khoa học, ứng dụng kỹ thuật cao trong thăm khám và điều trị bệnh. Năm 2019, số giường bệnh trên 1 vạn dân ước đạt 42,7 giường.

Cùng với đó, các hoạt động văn hóa, xã hội được quan tâm đầu tư, chất lượng phục vụ tốt. Phong trào xây dựng đời sống văn hóa, đền ơn đáp nghĩa, thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng, chăm lo cho người khuyết tật... luôn được thành phố quan tâm, thực hiện bằng những việc làm thiết thực. Các chính sách an sinh xã hội chăm lo cho hộ nghèo, hộ cận nghèo được thực hiện có hiệu quả.

Sau 26 năm thực hiện Chương trình xóa đói, giảm nghèo, thành phố đã 8 lần điều chỉnh mức chuẩn nghèo và hiện chuẩn hộ nghèo của Thành phố cao gấp 3 lần so với chuẩn quốc gia.

Từ cuối năm 2016, thành phố đã không còn hộ nghèo có thu nhập theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2016-2020. Chuẩn nghèo của Thành phố giai đoạn này là hộ có thu nhập dưới 21 triệu đồng/năm (chuẩn quốc gia là dưới 10,8 triệu đồng/năm); hộ cận nghèo là dưới 28 triệu đồng/năm (chuẩn quốc gia là 12 triệu đồng/năm).

Để nâng cao đời sống của người dân khu vực ngoại thành, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp trong đó tập trung vào chương trình xây dựng nông thôn mới.

Thành phố đã đầu tư 9.188 công trình phục vụ phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội tại các khu vực nông thôn; sửa chữa, nâng cấp và làm mới 741 công trình giao thông, với chiều dài hơn 1.200km, tổng vốn đầu tư gần 5.200 tỷ đồng.

Hiện nay, giá trị sản xuất nông nghiệp của thành phố tăng gấp 5 lần cả nước. Thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn tăng từ 15,72 triệu đồng năm 2008 lên 63,096 triệu đồng năm 2019. Đến nay, toàn thành phố đã có 54/56 xã đạt chuẩn nông thôn mới theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và có 31 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao theo Bộ tiêu chí của Thành phố. 

Diện mạo mới

Sau ngày giải phóng, thành phố đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, mang lại diện mạo mới cho thành phố với những công trình hiện đại. Nhiều khu đô thị mới, hiện đại được đầu tư xây dựng, như khu đô thị Phú Mỹ Hưng, khu đô thị mới Thủ Thiêm, khu đô thị Tây Bắc...

Nhiều tuyến đường được xây dựng (đường Nguyễn Văn Linh, đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương, cầu Phú Mỹ, cầu Thủ Thiêm, cầu Sài Gòn 2, đường Võ Văn Kiệt...) hàng loạt cầu vượt, hầm chui được đưa vào sử dụng; Công trình thi công đường sắt đô thị đầu tiên tuyến metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên cũng đã thành hình, dự kiến sẽ đưa vào sử dụng vào năm 2020. Cùng với đó, Thành phố cũng đã đầu tư cải tạo hệ thống kênh rạch trên địa bàn và đạt nhiều kết quả tốt...

45 năm thống nhất đất nước: Xứng danh thành phố mang tên Bác ảnh 2Nút giao thông hiện đại được hình thành tại khu vực Cát Lái-Xa lộ Hà Nội, góp phần phát triển khu đô thị mới tại quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát)

Năm 2017, Thành phố công bố đề án “Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến 2025,” hướng tới việc đảm bảo môi trường sống thoải mái, tích cực và an toàn.

Để thực hiện đề án, thành phố đã và đang triển khai 4 trụ cột lớn: Xây dựng kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở; Xây dựng trung tâm điều hành đô thị thông minh; Phát triển một trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế-xã hội; Xây dựng trung tâm an toàn thông tin để bảo vệ thành phố.

Trong thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai mạnh mẽ các nội dung của đề án. Đến nay, Kho dữ liệu dùng chung của Thành phố (giai đoạn 1) đã hoạt động tại Công viên phần mềm Quang Trung trên cơ sở tích hợp các dữ liệu hiện có của các sở, ngành.

Một số cơ sở dữ liệu quan trọng đã tích hợp vào Kho dữ liệu dùng chung như cơ sở dữ liệu một cửa điện tử; khiếu nại tố cáo; đường dây nóng; đăng ký doanh nghiệp; đầu tư nước ngoài; người nộp thuế; lao động nước ngoài; cơ sở dữ liệu đất đai...

Các dữ liệu đã được triển khai ứng dụng phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, bước đầu thực hiện trích xuất, khai thác Kho dữ liệu dùng chung phục vụ cho công tác điều hành của Thành phố. Ngoài ra, thành phố đã triển khai thử nghiệm Cổng thông tin dữ liệu mở tại địa chỉ https://data.hochiminhcity.gov.vn/ thử nghiệm cung cấp thông tin về cơ sở khám chữa bệnh và chứng chỉ hành nghề.

Về Trung tâm điều hành đô thị thông minh, trong giai đoạn 1, thành phố đã triển khai thí điểm kết nối, tích hợp dữ liệu các hệ thống camera giám sát của Sở Giao thông Vận tải và Ủy ban Nhân dân các quận 1, quận 12, Phú Nhuận, Gò Vấp.

Tổng số lượng camera đã tích hợp về trung tâm điều hành hơn 1.000 camera, trong đó phân tích nâng cao dữ liệu cùng lúc 50 camera gồm nhận diện khuôn mặt, nhận dạng loại phương tiện, phát hiện đám đông, các sự cố về giao thông, an ninh trật tự...

Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế-xã hội đã hoàn thành tập tài liệu tổng hợp về phương pháp luận, từ đó xây dựng cơ sở khoa học và thực nghiệm cho các hoạt động nghiên cứu, tham mưu về dự báo kinh tế-xã hội; xây dựng cơ sở dữ liệu ban đầu từ số liệu do các cơ quan chức năng trong nước công bố và số liệu từ một số tổ chức quốc tế, theo đó thiết kế phiên bản thử nghiệm trình diễn dữ liệu và mô hình của một số chỉ số kinh tế-xã hội chủ yếu. Ủy ban Nhân dân thành phố cũng đã phê duyệt đề án thành lập Công ty cổ phần vận hành Trung tâm An toàn thông tin Thành phố.

Dù mới triển khai xây dựng đô thị thông minh, nhưng người dân thành phố đã bắt đầu được hưởng các tiện ích mang lại. Các đơn vị đã cung cấp một số tiện ích cho người dân như: cảnh báo ngập, tra cứu thông tin quy hoạch, tra cứu tình hình giao thông qua camera, đăng ký khám bệnh và tự tra cứu giá dịch vụ, giá thuốc tại một số bệnh viện...

Nhìn lại những thành tựu của Thành phố Hồ Chí Minh có thể thấy, 45 năm sau ngày giải phóng, từ những mất mát, đau thương, Thành phố đã vươn lên, vững chãi. Không chỉ có những tòa nhà chọc trời, những đại lộ thênh thang, những công trình kiến trúc mang tầm thế kỷ... thành phố còn có cả một nền tảng kinh tế-xã hội vững vàng, năng động và tăng cường hội nhập sâu rộng với thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục