5 sai lầm cần thay đổi để chấm dứt chiến tranh thương mại Mỹ-Trung

Trước thềm hội nghị Thượng đỉnh G-20, hiện là lúc cần phải xóa bỏ những nhận thức sai lầm về Trung Quốc vốn đang tràn lan ở Mỹ và có thể đe dọa đến cơ hội để hai bên có thể quay trở lại bàn đàm phán.
5 sai lầm cần thay đổi để chấm dứt chiến tranh thương mại Mỹ-Trung ảnh 1Quốc kỳ Mỹ (trái) và quốc kỳ Trung Quốc tại một sự kiện ở Thượng Hải tháng 11/2018. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trang mạng smcp.com đưa tin mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã cán mốc nguy hiểm kể từ sau khi các cuộc đối thoại thương mại kết thúc hồi tháng trước mà không đạt được thỏa thuận nào.

Trước thềm hội nghị Thượng đỉnh G-20 tại Osaka (ngày 28 và 29/6), nơi có thể diễn ra cuộc gặp được trông đợi giữa lãnh đạo hai nước, hiện là lúc cần phải xóa bỏ những nhận thức sai lầm về Trung Quốc vốn đang tràn lan ở Mỹ và có thể đe dọa đến cơ hội quý giá để hai bên có thể quay trở lại bàn đàm phán.

Quan niệm sai lầm đầu tiên cần phải thay đổi là suy nghĩ rằng Trung Quốc đang đánh cắp tài sản trí tuệ của Mỹ, như lời một học giả từng nói trong truyện ngắn Kong Yiji của Lu Xun "Đánh cắp một cuốn sách là một sự phạm tội tinh tế."

Lịch sử đã chứng minh không một nước nào trong quá trình phát triển của mình lại có thể tránh khỏi việc đánh cắp tài sản trí tuệ của nước khác.

[Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc: Chuyện đường dài]

Lùi về thế kỷ 19, sự trỗi dậy của Mỹ cũng không tách biệt khỏi việc đánh cắp ồ ạt những phát minh công nghệ và tài sản trí tuệ của Anh, trong đó phải kể đến việc đánh cắp các dự án sản xuất máy dệt và vi phạm bản quyền của các tiểu thuyết của Charles Dickens. Thế mà giờ đây, Mỹ lại biện hộ cho các chuẩn mực cao nhất về sở hữu trí tuệ trên thế giới.

Liên quan đến việc bảo vệ tài sản trí tuệ, Trung Quốc đã đi theo một đường lối tương tự như Mỹ, song với tốc độ tiến triển nhanh hơn trong suốt 40 năm qua.

Người Trung Quốc đã xây dựng hệ thống bảo vệ tài sản trí tuệ ngay từ đầu, và thành công trong vấn đề này còn ngoạn mục hơn là thành công của nền kinh tế Trung Quốc nếu xét về các khía cạnh lập quy và thúc ép thực thi luật, cũng như nâng cao nhận thức của người dân thông qua giáo dục.

Bằng cách dành ưu tiên cho giới lãnh đạo khoa học và công nghệ, đất nước đang phát triển này sẽ chỉ duy trì việc củng cố sự bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ khi họ tăng cường các năng lực quản lý xã hội.

Quan niệm sai lầm thứ hai là chính phủ Trung Quốc đang ép buộc các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ làm điều kiện để đầu tư tại Trung Quốc.

Mấu chốt ở đây là đánh giá được liệu giao kèo về một sự chuyển giao công nghệ là tự nguyện hay bắt buộc.

Viêc những người thạo tin của cả hai phía đều mong muốn các lợi ích của bản thân được tối đa hóa, và không bị ép buộc khi đàm phán với nhau là điều dễ hiểu, vậy ai dám nói rằng sự chuyển giao đó được thực hiện dưới các sức ép?

Luật pháp Trung Quốc đòi hỏi một số nhà đầu tư nước ngoài phải áp dụng hình thức liên doanh mà trong đó các đối tác Trung Quốc đôi khi nắm cổ phần lớn hơn.

Mỹ đã viện dẫn những quy định này này làm bằng chứng cho lời tố cáo Trung Quốc ép buộc chuyển giao công nghệ cho họ, song lại không thể đưa ra chứng cứ cụ thể của việc chính phủ Trung Quốc áp đặt những yêu cầu chuyển giao công nghệ trong tiến trình đàm phán và phê chuẩn hợp đồng.

Thực vậy, Trung Quốc vừa thông qua một luật đầu tư quan trọng nghiêm cấm các quan chức chính phủ làm việc này.

Quan niệm sai lầm thứ ba liên quan đến thân phận một nước đang phát triển của Trung Quốc.

Chắc chắn Trung Quốc hiện là một cường quốc nếu xét về quy mô nền kinh tế và thương mại. Tuy nhiên, về GDP bình quân, Trung Quốc lại đứng sau hơn 80 nền kinh tế, trong đó có Malaysia, Nga và Kazakhstan. Tại Trung Quốc, xa khỏi các đô thị sầm uất như Bắc Kinh và Thượng Hải, có thể dễ dàng tìm thấy các khu vực lạc hậu ở khắp nơi.

Những năng lực quản lý xã hội còn hạn chế của Trung Quốc cũng là một nhân tố quyết định họ phải chịu thân một nước đang phát triển. Sự thiếu vắng tính chuyên nghiệp và tư duy mang tính thể chế xuất hiện tràn lan trong cả chính phủ lẫn xã hội.

Ngoài ra, Trung Quốc vẫn chưa thể sánh ngang Mỹ nếu xét đến quyền lực mềm.

Quan niệm sai lầm thứ tư liên quan đến vai trò của Đảng Cộng sản trong nền kinh tế Trung Quốc. Một số người hình dung rằng chủ nghĩa tư bản nhà nước Trung Quốc tạo điều kiện để đảng hoạt động như một tập đoàn kinh tế Trung Quốc, và các đảng viên nắm giữ tất cả các vị trí quan trọng trong hệ thống. Điều này là hoàn toàn không đúng.

Thực tế là các công ty tư nhân đang chi phối phần lớn nền kinh tế Trung Quốc, chiếm đến hơn 50% thuế thu nhập, 60% tăng trưởng GDP và 70% sáng kiến công nghệ, và 80% việc làm.

Trong các hoạt động thường ngày, các công ty của Trung Quốc làm ăn độc lập và không chịu sự kiểm soát của đảng.

Sai lầm thứ năm trong nhận thức về Trung Quốc là người dân nước này thông đồng với đảng và sẽ làm gián điệp cho đảng nều được yêu cầu.

Quan niệm này là sự diễn giải sai lệch về Luật Tình báo Quốc gia Trung Quốc 2017, một sự suy diễn từ chính các hoạt động gián điệp của Mỹ, và những gì mà Edward Snowden đã tiết lộ.

Trên thực tế, bộ máy tình báo Trung Quốc phải tôn trọng các quyền và lợi ích chính đáng của người dân theo Điều 8 trong Luật Tình báo Quốc gia.

Theo đó, nếu chính phủ Trung Quốc yêu cầu tập đoàn công nghệ khổng lồ Huawei làm gián điệp cho họ để đánh cắp các thông tin của các khách hàng châu Âu, Huawei có quyền từ chối; việc ép buộc Huawei đánh cắp thông tin là vi phạm các quyền của một công ty dựa theo Điều 8 của luật này.

Sau tất cả, luật pháp có mục đích cản trở các âm mưu gây tổn hại an ninh quốc gia Trung Quốc, chứ không phải để tạo điều kiện cho các hành động ăn cắp thông tin.

Khi các bạn nghĩ về điều này theo một quan điểm chính trị, bạn nên nhận thức rằng chính phủ chẳng có lợi ích gì khi lợi dụng Huawei làm một gián điệp cho mình.

Trung Quốc đơn giản không thể phá hoại một tập đoàn danh tiếng như Huawei với những thành công toàn cầu họ dày công vun đắp, khi mà đã có quá đủ những thành kiến và lời lẽ chua cay dành cho cả tập đoàn này nói riêng lẫn đất nước Trung Quốc nói chung./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục