6 điều giúp bạn sống sót khi gặp vụ khủng bố như ở Jakarta, Paris

Nếu chẳng may vướng vào tình huống khủng bố như những gì đã xảy ra ở Jakarta hay Paris, các lời khuyên sau sẽ giúp bạn tăng cơ hội sống sót của mình.
6 điều giúp bạn sống sót khi gặp vụ khủng bố như ở Jakarta, Paris ảnh 1Một kẻ tham gia vụ khủng bố ở Jakarta hôm 14/1. (Ảnh: AP)

Bạn sẽ làm gì nếu vướng vào tình huống khủng bố như những gì đã xảy ra ở Jakarta trong ngày 14/1?

Dưới đây là lời khuyên của một số chuyên gia an ninh, những người đã từng chia sẻ với hãng tin BBC khi Paris bị tấn công trong ngày 13/1/2015.

1. Hãy chuẩn bị cho mọi tình huống

Nhiều người sống sót sau các vụ khủng bố Paris cho biết họ đã tưởng tiếng súng là tiếng pháo nổ.

Theo John Leach, một nhà tâm lý học sinh tồn kiêm huấn luyện viên sinh tồn quân sự, điều này là bình thường.

Những người không cho rằng tiếng nổ là tiếng súng bởi họ không trông đợi vụ xả súng xảy ra. Và thời gian trì hoãn, để nhận ra tiếng nổ đó đi cùng mối đe dọa lớn, có thể khiến họ mất mạng.

Hãy luôn tự hỏi bản thân rằng nếu có chuyện xảy ra, bạn sẽ phản ứng thế nào. Ngoài ra, cần luôn chú ý tới các lối thoát hiểm, bởi điều này có thể cứu mạng bạn và người khác.

2. Phản ứng thật nhanh

Phần lớn người ta thường bối rối không biết làm gì khi vụ tấn công vừa xảy ra.

Leach đã quan sát nhiều tình huống đe dọa sinh mạng trên thế giới và thấy rằng chỉ 15% người có phản ứng theo cách thức sẽ giúp họ sống sót.

Khoảng 75% kinh sợ trước những gì đang diễn ra xung quanh họ nên gần như không thể phản ứng gì.

10% còn lại phản ứng theo cách thức làm giảm cơ hội sống sót của họ và tệ hơn, họ còn làm ảnh hưởng tới người khác.

Hành động quyết đoán có thể khiến cơ hội sống sót tăng cao.

6 điều giúp bạn sống sót khi gặp vụ khủng bố như ở Jakarta, Paris ảnh 2Cảnh sát Indonesia đấu súng với những kẻ tấn công khủng bố ở Jakarta hôm 14/1. (Nguồn: independent.co.uk)

3. Thu mình, không biến bản thân thành bia hứng đạn

"Hãy núp vào bất kỳ vật cản nào xuất hiện, vì nó sẽ che đạn cho bạn,” đó là lời khuyên của cựu quân nhân Anh Ian Reed.

Ông từng là huấn luyện viên quân đội và giờ là Giám đốc điều hành công ty an ninh Formative Group.

Theo ông, điều đầu tiên người ta nên làm là tránh khỏi hướng tấn công của kẻ thủ ác và biến bản thân trở thành mục tiêu nhỏ.

Cách thức đơn giản nhất là thụp xuống đất, sau đó tìm chỗ núp tránh đạn. Những chỗ núp chắc chắn, như một bức tường bêtông là lựa chọn tốt nhất.

Trong một số tình huống, giả chết hoặc chạy trốn có thể cứu mạng bạn.

4. Chống trả

Lao tới tấn công tay súng đã có hiệu quả trong một số trường hợp.

Tháng 8 năm ngoái, một vụ tấn công tàu hỏa ở Pháp đã bị chặn đứng, sau khi 3 hành khách dũng cảm cùng nhau lao tới khống chế tay súng.

Nhưng trong số những người tham gia tấn công, có một người là binh sỹ Không quân Mỹ và người kia hoạt động trong lực lượng Vệ binh quốc gia Mỹ.

Ngoài ra, họ chỉ tấn công khi thấy khẩu súng của gã khủng bố bị kẹt đạn.

Reed nói rằng sẽ không khôn ngoan nếu bạn tấn công một tay súng khi bản thân chưa hề qua huấn luyện chiến đấu.

Ngoài ra, nhiều kẻ tấn công có thể hoạt động theo nhóm hỗ trợ nhau. Đó là chưa kể tới việc chúng có thể mặc áo giáp và mang theo chất nổ bên người, những yếu tố khiến người chống trả chúng sẽ gặp nguy hiểm.

Nhưng bất chấp hiểm nguy, một số người vẫn cho rằng tinh thần sẵn sàng chiến đấu khi cần thiết là rất quan trọng.

Nhà tâm lý, chuyên gia đàm phán con tin James Alvarez nói: “Nếu biết rằng mình sắp bị bắn chết, tôi sẽ chẳng lựa chọn cái chết không hề kháng cự."

5. Sau khi chạy thoát

Một khi đã thoát ra khỏi tình huống nguy hiểm, người ta vẫn cần phải duy trì cảnh giác cao độ.

“Hãy chạy xa nhất có thể, di chuyển sau các vật che chắn và tới cơ quan chức năng gần nhất để tìm kiếm sự giúp đỡ," Reed khuyên.

Ông cho biết việc đi tới nhóm đông người ở gần khu vực nguy hiểm hay lên các phương tiện vận tải cộng đều có thể gây nguy hiểm.

“Hãy luôn giả định rằng những khủng bố đã gài bom ở nơi nào đó hoặc lên kế hoạch thực hiện vụ tấn công tiếp theo,” Reed nói, cho biết thêm rằng yếu tố mấu chốt ở đây là lấy lời khuyên từ cảnh sát hoặc các lực lượng có liên quan, vì họ có thể biết rõ tình hình hơn bạn.

6. Giúp người khác

Khả năng mắc kẹt vào một vụ tấn công lớn hiện vẫn còn thấp. Nhưng nếu tình huống đó xảy ra, hợp tác với người khác có thể làm tăng cơ hội sống sót, theo nhận xét của Chris Cocking, một chuyên gia tâm lý xã hội và hành vi đám đông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục