Sáu người chết và mất tích do mưa lũ ở miền Trung

6 người chết và mất tích do mưa lũ ở miền Trung

Tính đến 16 giờ 30 phút ngày 6/9, mưa lũ tại miền Trung đã làm 5 người chết (ở Thanh Hóa, Nghệ An); mất tích 1 người (Thanh Hóa).
Theo Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, tính đến 16 giờ 30 phút ngày 6/9, mưa lũ tại miền Trung đã làm 5 người chết (Thanh Hóa 2 người, Nghệ An 2, Hà Tĩnh 1); mất tích 1 người (Thanh Hóa).

Mưa lũ đã làm ngập 1.512 nhà (Hà Tĩnh 1.500, Quảng Bình 12); 1.833ha hoa màu và cây ăn quả (Nghệ An 373, Hà Tĩnh 1.325, Quảng Bình 135) và nhiều tuyến đường giao thông bị ngập sâu trong nước. Riêng xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa bị cô lập hoàn toàn.

Quân khu 4 đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai các phương án phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn; phối hợp với địa phương kịp thời giải quyết hậu quả; chỉ đạo Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình thành lập đoàn công tác xuống các cơ sở để nắm và chỉ đạo công tác phòng chống và khắc phục hậu quả mưa lũ.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, lũ trên các sông từ Thanh Hóa đến Nghệ An và hạ lưu sông La đang lên nhanh. Mực nước lúc 16h00 ngày 6/9 trên các sông như sau: sông Cả tại Dừa là 20,33m, dưới báo động 1: 0,17m; tại Nam Đàn: 5,46m (15 giờ ngày 6/9), trên báo động 1: 0,06m; Sông La tại Linh Cảm: 3,03m.

Dự báo lũ trên các sông từ Thanh Hóa đến Nghệ An và hạ lưu các sông ở Hà Tĩnh tiếp tục lên. Sáng mai (7/9), mực nước các sông ở Thanh Hóa lên mức báo động 1; chiều tối mai, mực nước hạ lưu sông Ca tại Nam Đàn có khả năng lên mức báo động 2 và hạ lưu sông La tại Linh Cảm lên mức báo động 1.

Để sẵn sàng ứng phó với lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra trên các sông suối ở vùng núi, ngập úng vùng trũng, đồng bằng các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh, hồi 9 giờ 30 phút ngày 6/9, Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã có Công điện số 39/CĐ-TW chỉ đạo Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An triển khai các phương án sẵn sàng ứng phó khi có tình huống.

Cũng theo Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, lúc 21 giờ ngày 5/9 tại khu vực cách Đông Bắc đảo Long Châu/Hải Phòng khoảng 9 hải lý, tàu vận tải Hoàng Thịnh biển kiểm soát NĐ 2222 với 9 thuyền viên bị chìm chưa rõ nguyên nhân, 4 thuyền viên đã rời tàu, (còn 5 thuyền viên chưa rõ đã rời tàu hay chưa).

Do thời tiết khu vực sóng gió cấp 5, cấp 6, Bộ Tham mưu Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã chỉ đạo Bộ đội biên phòng Quảng Ninh và Hải Phòng sử dụng thông tin tìm kiếm cứu nạn của đơn vị thông báo, huy động các phương tiện đang hoạt động trong khu vực quan sát phát hiện tìm kiếm cứu vớt 9 người đang trôi dạt trên biển. Biên phòng 54/Biên phòng Hải Phòng đã điều động 7 cán bộ chiến sỹ với 2 tàu, xuồng đồng thời trưng dụng hai tàu của ngư dân ra tìm kiếm cứu nạn. Đến 14 giờ 30 phút ngày 6/9 đã cứu, vớt được hai thuyền viên còn sống.

Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam đã chỉ đạo Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 1 điều tàu SAR 411 đến hiện trường phối hợp tìm kiếm cứu nạn. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Trung tướng Trần Quang Khuê, Phó Tổng Tham mưu trưởng - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, lúc 17 giờ cùng ngày, Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn tiếp tục đề nghị Bộ Quốc phòng điều tàu của Cục Cảnh sát biển đến hiện trường phối hợp với tàu SAR 411 tìm kiếm cứu nạn 7 nạn nhân mất tích của tàu trên.

Trước đó, ngày 4/9 tại khu vực cửa Nhật Lệ/Quảng Bình tàu cá QB 2617 với 5 lao động của anh Hoàng Văn Minh ở Quảng Phong, Quảng Trạch, Quảng Bình gặp sóng to, gió lớn đánh chìm. Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Bình cử 5 cán bộ chiến sỹ của Đồn Biên phòng Nhật Lệ phối hợp với ngư dân tổ chức cứu vớt 5 người đưa vào bờ an toàn./.

Thanh Tuấn (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục