6 thay đổi trong việc đóng và hưởng chính sách bảo hiểm xã hội mới

Luật Bảo hiểm Xã hội mới đã thay đổi rất lớn về việc đóng hưởng bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc đảm bảo sự bình đẳng trong tham gia, thụ hưởng bảo hiểm xã hội và sự bền vững của hệ thống bảo hiểm.
6 thay đổi trong việc đóng và hưởng chính sách bảo hiểm xã hội mới ảnh 1Trao sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động. (Ảnh minh họa: Dương Ngọc/TTXVN)

Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 có hiệu lực từ 1/1/2016 đã thay đổi rất lớn về việc đóng hưởng bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc đảm bảo sự bình đẳng trong tham gia, thụ hưởng bảo hiểm xã hội của người lao động ở các thành phần kinh tế và đảm bảo nguyên tắc đóng hưởng, sự bền vững của hệ thống bảo hiểm xã hội.

Để quá trình thay đổi không tạo nên sự xáo trộn quá lớn, các chính sách đóng và hưởng bảo hiểm xã hội được thực hiện theo hai lộ trình bắt đầu thay đổi từ năm 2016 và năm 2018. Mới đây, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã ban hành nhiều quyết định, nghị định và thông tư hướng dẫn áp dụng các chính sách mới.

VietnamPlus sẽ điểm lại 6 thay đổi lớn nhất trong việc đóng và hưởng chính sách bảo hiểm xã hội mới.

Tăng điều kiện hưởng lương hưu

Luật Bảo hiểm xã hội mới có lộ trình tăng dần thời gian đóng bảo hiểm xã hội để đạt tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa. Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tiến tới đủ 30 năm đối với nữ và 35 năm đối với nam thì đạt tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa 75%.

Từ ngày 1/1/2016 đến ngày 1/1/2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ, mức tối đa bằng 75%.

Từ ngày 1/1/2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội được tính theo lộ trình: Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm; lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm. Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.

Lộ trình đóng bảo hiểm xã hội trên tổng thu nhập

Từ 1/1/2016, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật về lao động. Phụ cấp lương là các khoản để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp của công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động….

Từ ngày 1/1/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động.

Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không bao gồm các khoản chế độ và phúc lợi khác như tiền thưởng, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, trợ cấp khi gặp khó khăn, tai nạn lao động…

Bình đẳng trong tính lương hưu

Luật Bảo hiểm xã hội 2014 đã xây dựng lộ trình tiến tới việc tính bình quân tiền lương, tiền công cả quá trình đóng bảo hiểm xã hội đối với lao động trong khu vực nhà nước giống như khu vực ngoài nhà nước.

Song song với thay đổi cách tính lương hưu, luật cũng đưa ra lộ trình tiến tới điều chỉnh tiền lương, tiền công tháng đã đóng bảo hiểm xã hội của lao động trong khu vực nhà nước theo chỉ số giá tiêu dùng như đối với khu vực ngoài nhà nước.

6 thay đổi trong việc đóng và hưởng chính sách bảo hiểm xã hội mới ảnh 2

Hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện

Từ ngày 1/1/2016, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất bằng 22% mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Mức thu nhập tính đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thấp nhất bằng chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lầm mức lương cơ sở.

Từ ngày 1/1/2018, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được ngân sách nhà nước địa phương hỗ trợ mức đóng theo tỷ lệ % trên mức đóng bảo hiểm xã hội hàng tháng. Nhà nước hỗ trợ 30% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ nghèo, 25% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ cận nghèo, 10% đối với các đối tượng khác.

Tăng tỷ lệ giảm trừ khi về hưu trước tuổi

Theo Luật Bảo hiểm xã hội mới, tỷ lệ giảm trừ do nghỉ hưu trước tuổi tăng từ 1% lên 2% tương ứng với mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi. Trường hợp tuổi nghỉ hưu có thời gian lẻ đến đủ 06 tháng thì mức giảm là 1%.

Tăng mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần

Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014; 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi./.

Mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (gồm cả 5 chế độ: Hưu trí, ốm đau, thai sản, tử tuất, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp) hiện nay là 26% tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, trong đó người lao động đóng 8% và người sử dụng lao động đóng 18%.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục