60 năm Giải phóng Thủ đô: Vẹn nguyên khát vọng hòa bình

Từ một thành phố bị chiến tranh tàn phá, hàng thập niên đặc quánh mùi thuốc súng, Thủ đô Hà Nội giờ đây đã trở thành "Thành phố Vì hòa bình."
60 năm Giải phóng Thủ đô: Vẹn nguyên khát vọng hòa bình ảnh 1Khu đô thị mới Times City. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Thấm thoắt đã sáu mươi năm kể từ ngày giải phóng Thủ đô. Những phố Hàng, chiến địa khốc liệt năm xưa, vết thương đã lên da.

Từ một thành phố bị chiến tranh tàn phá, hàng thập niên đặc quánh mùi thuốc súng, đất trời rung chuyển trong tiếng đạn bom, Hà Nội nay là trung tâm về kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục... có vị trí quan trọng trong cả nước và khu vực. Thủ đô Hà Nội trở thành "Thành phố Vì hòa bình."

Phường Tứ Liên, hay còn gọi là Tứ Tổng, nằm theo dải đất bãi phù sa đỏ mọng của sông Hồng chạy dài từ phường Quảng An đến phường Yên Phụ. Từ đường Âu Cơ, bước qua cổng làng Tứ Liên là vùng dân cư đông đúc, nhà cao tầng mọc san sát, đình làng thâm nghiêm.

Theo con đường nhỏ về phía vùng đất bãi cuối làng là bến gốm, bến sứ nhộn nhịp, sầm uất trên bến dưới thuyền cùng những vườn quất tươi xanh chờ đến Tết cho quả chín vàng. Trông ra phía xa là cây cầu Long Biên cổ kính tấp nập người qua lại, thỉnh thoảng lại có đoàn tàu hỏa xình xịch chạy qua kéo những hồi còi văng vẳng.

Nhìn khung cảnh bình yên của Tứ Liên, khó có thể hình dung nơi đây từng là chốn hoang tàn khói lửa những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, nơi đám lính lê dương Pháp đốt nhà, giết người, máu nhuộm dòng Hồng Hà.

Những trang lịch sử Cách mạng phường Tứ Liên ghi rõ sự kiện bi thảm, đau thương này. Trong ba ngày ba đêm lịch sử từ 17/2 đến 19/2/1947, đồng bào và du kích Tứ Tổng đã dùng 20 thuyền tam bản chèo đò đưa 1.200 chiến sỹ Trung đoàn Thủ đô rút sang sông. Biết để vuột Trung đoàn Thủ đô ra khỏi Hà Nội, quân Pháp đã kéo đến trả thù. Chúng bắn giết tiểu đội Anh hùng Nguyễn Ngọc Nại và 27 người dân Tứ Tổng, toàn đàn bà và trẻ em. Đốt cháy hàng trăm nóc nhà...

Đứng trước nơi từng là bến đò đưa chiến sỹ sang sông, nhìn dòng Hồng Hà xưa nước vào tận chân bãi nay đã rút ra xa, ông Tăng Tuấn Khang, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Tứ Liên những năm 1960, là nhân chứng sống cuộc tấn công trả thù của Pháp những ngày đó lặng lẽ bảo lúc đó ông mới 9 tuổi. Buổi đêm chỉ nghe ngoài bãi tiếng súng nổ. Tiếng trẻ em khóc thét. Tiếng đàn bà, con gái thét căm hận. Sáng ra thì trông thấy cảnh tang thương bao trùm cả vùng đất bãi. Xác người lầy nhầy máu thịt nằm la liệt. Khói tràn lên cả cầu Long Biên.

Ông Khang dừng lời, đưa ánh mắt nhìn vùng đất màu mỡ phù sa đang dồn sức cho những bãi ngô xanh mơn mởn, ông bảo: “60 năm, đối với lịch sử là quá ngắn nhưng đối với đời người là dài. Những người đã tham gia 60 ngày đêm hồi mùa đông năm 1946 đã chết hết. Như cụ Ti, người cuối cùng trong số 20 lái đò đưa chiến sỹ ta qua sông đã mất cách đây bốn tháng.”

Phải, những ngày khói lửa Quyết tử - Quyết sinh đã lùi xa. Thủ đô được giải phóng thấm thoắt 60 năm. Tứ Tổng-Tứ Liên đổi thay nhiều. Mảnh đất anh hùng lực lượng vũ trang trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp đã từ xã lên phường.

Đầm nước năm nào nay đã thành vùng cư dân đông đúc, nhà cửa khang trang. Dấu vết xưa đã mờ. Có chăng trong xanh trong của bầu trời nghe có tiếng lòng dân tộc tri ân những con người Tứ Tổng quả cảm cùng vệ quốc quân bám từng ngôi nhà, góc phố kìm chân giặc Pháp; tri ân du kích Tứ Tổng cùng những người dân trong làng dùng thuyền tam bản chèo đò đưa các chiến sỹ Trung đoàn Thủ đô qua sông.

Bí thư Đảng ủy phường Tứ Liên, bà Bùi Thị Ngọc Thúy cho biết: "Vượt qua nhiều khó khăn và cả những yếu kém, Đảng bộ, nhân dân phường Tứ Liên đoàn kết, từng bước tháo gõ khó khăn, thực hiện đổi mới toàn diện, phát triển kinh tế và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Trên đà phát triển của một phường ở Thủ đô Hà Nội, Tứ Liên đang tiếp tục đổi mới, xây dựng phường ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại."

Tứ Tổng-Tứ Liên cũng là cận cảnh diện mạo đổi thay của Thăng Long-Hà Nội. Từ một thành phố bị chiến tranh tàn phá, hàng thập niên đặc mùi thuốc súng, đất trời rung chuyển trong tiếng đạn bom, ngày nay, Hà Nội đã trở thành một trung tâm về kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục... có vị trí quan trọng trong khu vực và cả nước.

Thành phố đã và đang phát triển một cách đáng ngạc nhiên cả về quy mô, chiều rộng và chiều sâu. Sau 60 năm, diện tích thành phố đã tăng gấp 22 lần, nội thành tăng gấp 18,6 lần, dân số toàn thành phố tăng gấp 12 lần, nội thành tăng gấp 17,2 lần. Năm 1954, Hà Nội chỉ có 9 nhà máy, đến nay đã có 9 khu công nghiệp cùng hàng chục cụm công nghiệp vừa và nhỏ.

Tâm sự về sự đổi thay sau 60 năm kể từ ngày về ấy, ông Nguyễn Văn Trân, nguyên Bí thư thành ủy Hà Nội những năm 1960, người đã chứng kiến và gắn bó với Hà Nội từ những ngày “máu và hoa” đã nói những lời đầy xúc động: "Cho đến bây giờ tôi nghĩ là Hà Nội đã thay đổi quá nhiều. Cả nước cũng đã phát triển khác rồi. Lúc tôi ở Hà Nội thì Thủ đô nhỏ chỉ có 12 cây số vuông thôi mà dân số chỉ chưa được 1 triệu nhưng bây giờ Hà Nội phát triển nhanh và mạnh. Đặc biệt, kể từ sau Nghị quyết 15 của Quốc hội khóa XII về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô (1/8/2008) và đặc biệt là Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, diện mạo đô thị Hà Nội đã có nhiều thay đổi. Hàng loạt khu đô thị mới ra đời, từ những khu phố cũ, đồng ruộng sình lầy đã trở thành những khu đô thị mới văn minh, hiện đại. Trái tim hồng của Tổ quốc bây giờ là 'Thành phố Vì hòa bình,' thành phố của khát vọng vươn tới những tầm cao."

Tâm sự của vị lão thành cách mạng đã cùng Thủ đô kinh qua những năm tháng khốc liệt cũng tương đồng với tâm sự của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo. Sau ngày giải phóng Thủ đô 10/10/1954 đến nay, thành phố đã phát triển không ngừng.

Từ một thành phố tiêu thụ hàng hóa, quy mô nhỏ, nền công nghiệp chỉ với một vài cơ sở sản xuất hàng tiêu dùng, đời sống tinh thần và vật chất rất khó khăn, Hà Nội hiện nay đã không chỉ là Thủ đô, trung tâm đầu não chính trị, trung tâm hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, đào tạo khoa học công nghệ, kinh tế và giao lưu quốc tế, mà còn là đô thị lớn, phát triển theo hướng đa hệ, bản sắc, văn minh và hiện đại.

Bước vào thập niên thứ 2 của thế kỷ 21, Hà Nội đối mặt với những khó khăn cần sớm giải quyết của một Thủ đô mở rộng. Đó là một đô thị phát triển nóng, khoảng cách về hạ tầng kinh tế-xã hội giữa thành thị với nông thôn, sự phát triển quá tải về dịch vụ y tế, cơ sở giáo dục, ô nhiễm môi trường, cũng như hàng loạt những thách thức trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu…

Nhưng trong những khó khăn, vất vả đó, Thủ đô vẫn luôn tự tin vào tinh thần sáng tạo, truyền thống đoàn kết triệu người như một, đặc biệt khí thế của Thăng Long - Hà Nội 1.000 lịch sử là nền tảng vững chắc để Hà Nội tỏa sáng.

Xin mượn lại lời của nhạc sỹ Văn Ký, tác giả bài "Trời Hà Nội xanh," cho đoạn kết: "Sau tất cả những khó khăn, vất vả, bom đạn là một bầu trời Hà Nội xanh thẳm, yên bình đến lãng mạn. Là nụ cười của người Hà Nội, nụ cười lạc quan, tin tưởng vào sự đẹp đẽ của ngày mai, những ngày phía trước, dù hôm qua là bom đạn. Thế hệ chúng tôi đã kinh qua chiến tranh nên rất hiểu chiến tranh. Chúng tôi khao khát những ngày được bình yên đi trên những con phố Hà Nội. Hình ảnh vua Lê Lợi, sau khi đánh xong quân giặc đã mang gươm báu trả cho Cụ Rùa Hồ Gươm, luôn ám ảnh tôi. Nó nhắc tôi hiểu rằng, dân tộc ta bị buộc phải cầm súng chứ không muốn có chiến tranh"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục