60 năm thảm họa Munich 1958: Tấn bi kịch Manchester United

Lịch sử bóng đá thế giới đã chứng kiến nhiều thảm họa hàng không, nhưng không thảm kịch nào được nhớ đến nhiều như vụ tai nạn ở Munich năm 1958, với tấn bi kịch Manchester United.
60 năm thảm họa Munich 1958: Tấn bi kịch Manchester United ảnh 1Đội hình danh tiếng Busby Babes. (Nguồn: the42.ie)

Lịch sử bóng đá thế giới đã chứng kiến nhiều thảm họa hàng không, như vụ tai nạn của các cầu thủ thuộc câu lạc bộ The Strongest (Bolivia) năm 1969, Pakhtakor Tashkent (Uzbekistan) năm 1979, Alianza (Peru) năm 1987 hay gần đây nhất là Chapecoense (Brazil) năm 2016...

Tuy nhiên, có lẽ không thảm kịch nào được nhớ đến nhiều như vụ tai nạn máy bay ở Munich năm 1958, với những nỗi tiếc thương cho một thế hệ tài năng kiệt xuất nhưng yểu mệnh.

Hôm nay (6/2) tròn 60 năm xảy ra thảm họa Munich - chương tồi tệ nhất trong lịch sử của câu lạc bộ Manchester United (Anh), khi chiếc máy bay chở đội bóng này gặp nạn, khiến 23 người thiệt mạng, trong đó có nhiều thành viên của đội hình danh tiếng "Busby Babes" (tạm dịch: Những đứa trẻ của Busby).

[Những vụ tai nạn máy bay thảm khốc trong lịch sử bóng đá]

Tháng 4/1955, Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) thành lập giải đấu có tên European Cup, tiền thân của Champions League ngày nay. Nhưng trong mùa giải đầu tiên, Chelsea - nhà vô địch nước Anh không tham dự. Bởi lẽ, giới chức Liên đoàn bóng đá Anh không coi trọng giải đấu ở cấp độ châu lục. Với họ European Cup chỉ là tập hợp của những đội bóng hạng trung, trong khi Xứ sở Sương mù đang có một hệ thống bóng đá tuyệt vời, đặc biệt là First Division (tiền thân của Premier League).

Một năm sau, Manchester United vô địch First Division 1956-1957. Dẫn dắt “Quỷ đỏ” khi đó là Sir Matt Busby với tầm nhìn vượt thời đại. Trong tay ông khi đó là một thế hệ cầu thủ trẻ kiệt xuất, không chỉ nhất nước Anh, mà còn bậc nhất châu Âu và thế giới. Bởi vậy, Sir Matt Busby không cam tâm rằng tài năng của họ chỉ gói gọn trong khuôn khổ nước Anh.

Sau một loạt chiến dịch vận động hành lang, cuối cùng “Quỷ đỏ” cũng được chơi tại European Cup 1957-1958, với điều kiện họ sẽ không được hưởng bất cứ đặc quyền nào, như không được lùi lịch thi đấu hoặc bố trí thời gian thuận lợi để thu xếp tham gia cả giải trong nước lẫn European Cup.

Mọi thứ đã trôi đi trong sự hoàn hảo với Manchester United. Họ phô diễn sức mạnh tưởng như không gì ngăn cản nổi, vượt qua mọi đối thủ ở cả đấu trường trong nước lẫn châu Âu. Sau một cơn mưa bàn thắng ở Nam Tư trong khuôn khổ Tứ kết European Cup gặp đội Sao Đỏ Belgrade, tấm vé vào Bán kết thuộc về đại diện Xứ sở Sương mù.

60 năm thảm họa Munich 1958: Tấn bi kịch Manchester United ảnh 2Chiếc Airspeed Ambassador tan tành sau tai nạn. (Nguồn: Getty)

Không có nhiều thời gian để tận hưởng tin vui này, các cầu thủ Manchester United gấp rút trở về nước Anh để chuẩn bị cho trận đấu vào cuối tuần. Do chặng đường quá dài so với khả năng đáp ứng nhiên liệu thời đó, chiếc máy bay Airspeed Ambassador số hiệu 609 của hãng hàng không Bristish Airways chở họ buộc phải hạ cánh xuống thành phố Munich (Đức) để tiếp nhiên liệu và những tài năng trẻ đang lâng lâng men say chiến thắng không thể mường tượng ra điều gì sắp ập đến với mình.

Thời tiết quá xấu, tuyết rơi dày, mặt đường băng trở nên trơn trượt. Lẽ ra, chuyến bay nên hoãn lại chờ đến khi thời tiết tốt hơn. Nhưng cơ trưởng James Thain và cơ phó Kenneth Rayment vẫn rất nỗ lực để cất cánh.

Sau hai lần thất bại, ở lần thứ ba, máy bay bắt đầu lăn bánh nhưng rốt cuộc đã trượt khỏi đường băng. Chiếc Airspeed Ambassador bỗng chốc biến thành quả cầu lửa, ngùn ngụt cháy trong một chiều Munich lạnh lẽo, u ám.

Các báo cáo điều tra cho biết trong thời gian cất cánh, chiếc máy bay đã đạt vận tốc 217 km/giờ, nhưng khi chạy trên đám tuyết thì vận tốc bị giảm đến 194 km/giờ, và do đó không đủ để máy bay rời khỏi mặt đất. Bánh lái trở nên mất kiểm soát khiến chiếc máy bay văng ra khỏi đường băng, cánh trái máy bay gãy nát do đâm vào nhà dân. Va chạm khiến một phần đuôi máy bay bị vỡ, tạo ra một vụ nổ lớn bên trong máy bay. Và không còn gì có thể ngăn cản được thảm họa Munich nữa.

Chỉ có 21 người sống sót trong vụ tai nạn. Trong số 23 người thiệt mạng có tám cầu thủ tài năng. Các cầu thủ Geoff Bent, Roger Byrne, Eddie Colman, Mark Jones, David Pegg, Tommy Taylor và Liam Whelan tử vong tại chỗ, trong khi cầu thủ Duncan Edwards và cơ phó Rayment qua đời tại bệnh viện sau đó 15 ngày. Sir Matt Busby cũng bị thương rất nặng, cần một khoảng thời gian dài để hồi phục. Rất nhiều người khác sau này đã không còn khả năng chơi bóng.

Thảm họa Munich đã gây chấn động đối với cả thế giới thời bấy giờ. Hàng nghìn người đã tới dự đám tang các nạn nhân. Ở nhiều trận đấu trên khắp nước Anh, tất cả đều dành 2 phút để tưởng niệm.

Kể từ đó đến nay, Manchester United vẫn tổ chức tưởng niệm thảm họa Munich thường niên với nhiều hình thức khác nhau. Chẳng hạn như ngày 7/2/1998, họ tưởng niệm 40 năm thảm họa ở trận gặp Bolton và thời gian thi đấu được đẩy lên 15 giờ 15 phút cho đúng thời gian máy bay gặp nạn. Hay năm 2008, lễ tưởng niệm 50 năm thảm họa diễn ra ở Old Trafford với sự tham dự của các thành viên còn sống sót trong đội hình năm 1958. Lễ tưởng niệm diễn ra cùng với việc khánh thành đường hầm Munich nhằm tưởng nhớ đội bóng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục