60% thiếu niên Anh nghiện điện thoại thông minh

Theo nghiên cứu mới nhất của cơ quan quản lý về truyền thông, Ofcom, 60% thiếu niên Anh thừa nhận rất nghiện điện thoại thông minh.
Sự yêu thích sử dụng Facebook và nhiều mạng xã hội khác của dân Anh đã làm gia tăng mạnh mẽ nhu cầu dùng điện thoại thông minh của họ.

Theo kết quả một nghiên cứu mới nhất của cơ quan quản lý về truyền thông, Ofcom, 60% thiếu niên Anh thừa nhận rằng họ rất nghiện loại điện thoại này. Gần như một nửa thiếu niên Anh và một phần tư người lớn đang sở hữu một chiếc smartphone, loại yêu thích nhất là iPhone hoặc Blackberry để truy cập facebook và email.

Kết quả nghiên cứu được công bố ngày 4/8 cũng chỉ ra rằng smartphone đã bắt đầu đi vào những khoảnh khắc riêng tư nhất của cuộc sống, 47% thiếu niên nói rằng họ dùng điện thoại ngay cả khi ở trong nhà vệ sinh. Đối với người lớn chỉ có 22% thừa nhận rằng họ có cùng thói quen trên.

Không ngạc nhiên khi biết rằng thiếu niên nghiện điện thoại thường bị phân tâm bởi điện thoại của họ trong bữa ăn và trong rạp chiếu phim hơn là những người lớn và các em sẵn sàng trả lời điện thoại nếu chúng làm thức giấc.

Những số liệu riêng biệt khác mà tờ “Người Bảo vệ” của Anh, có được cũng cho thấy rằng lần đầu tiên, doanh số bán điện thoại thông minh vượt xa doanh số bán hàng của điện thoại thông thường trong nửa đầu năm nay và một lượng lớn nhu cầu mua điện thoại thông minh vẫn không ngừng tăng cao.

Theo một cuộc khảo sát của tập đoàn công nghệ và bán lẻ GFK của Anh, hơn một nửa trong số 13,6 triệu điện thoại được bán từ tháng 1-6/2011 là smartphone. Trong thế hệ người sử dụng điện thoại thông minh mới, 60% thiếu niên xếp mình là "rất nghiện" thiết bị của họ, so với 37% người trưởng thành.

Ofcom đã khảo sát 2.073 người lớn và 521 thiếu niên trong tháng Ba vừa qua. Nhà quản lý định nghĩa thiếu niên là những người nằm trong độ tuổi từ 12-15 còn người lớn là từ 16 tuổi trở lên.

Giám đốc nghiên cứu của Ofcom James Thickett nói: “Nghiên cứu của Ofcom chỉ ra rằng ảnh hưởng của công nghệ truyền thông đang hiện diện trong cuộc sống hằng ngày và trong cách chúng ta ứng xử và giao tiếp với nhau”./.

Ngân Bình/London (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục