"60 tuổi là cao tuổi, không phân biệt nam-nữ"

Chiều 21/10, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội tập trung cho ý kiến về Dự án Luật người cao tuổi.
Chiều 21/10, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội tập trung cho ý kiến về Dự án Luật người cao tuổi.

Dự án Luật người cao tuổi trình xin ý kiến Quốc hội gồm 6 chương, 31 điều (giảm 1 chương, tăng 1 điều so với dự luật trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5).

Dự luật quy định về quyền và nghĩa vụ; trách nhiệm của gia đình, Nhà nước và xã hội trong việc phụng dưỡng, chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi; Hội người cao tuổi Việt Nam.

Đã có 21 đại biểu đăng ký và trực tiếp nêu ý kiến tại hội trường. Các đại biểu cơ bản nhất trí với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật người cao tuổi của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tập trung cho ý kiến vào các điều khoản trong luật quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng, độ tuổi xác định là người cao tuổi và độ tuổi được hưởng chính sách bảo trợ xã hội; các quy định liên quan đến tổ chức Hội Người cao tuổi Việt Nam.

Đa số các đại biểu tán thành với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật chỉ quy định về người cao tuổi là công dân Việt Nam mà không quy định đối với người người cao tuổi là người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam, để phù hợp với thực tiễn thi hành chính sách, pháp luật về người cao tuổi ở Việt Nam cũng như khả năng đáp ứng của ngân sách nhà nước và đảm bảo tính khả thi của Luật.

Tuy nhiên, có đại biểu lại nêu ý kiến cần đưa đối tượng là người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam vào phạm vi điều chỉnh của Luật để phù hợp với Luật quốc tịch và thể hiện chính sách đối ngoại rộng mở của Nhà nước.

Mặc dù vẫn còn một số ý kiến cho rằng độ tuổi xác định người cao tuổi nên phân biệt giữa nam và nữ ở mức 60 tuổi đối với nam và 55 tuổi đối với nữ để phù hợp với độ tuổi nghỉ hưu theo Bộ luật Lao động, nhưng đại đa số các đại biểu đều nhất trí quy định độ tuổi xác định người cao tuổi là 60 tuổi, không phân biệt nam, nữ.

Các đại biểu cũng nhất trí về sự cần thiết giảm độ tuổi của người cao tuổi được hưởng chính sách bảo trợ xã hội từ 85 tuổi theo quy định hiện hành xuống còn 80 tuổi như quy định trong dự thảo Luật nhằm phù hợp với nguyện vọng của đại đa số cử tri và thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc, sự quan tâm của Nhà nước đối với người cao tuổi.

Có những đại biểu cho rằng cần giao Chính phủ xem xét mức trợ cấp hàng tháng cho người cao tuổi được hưởng chính sách bảo trợ xã hội, để người cao tuổi đủ đảm bảo cuộc sống.

Việc quy định giảm giá vé, dịch vụ cho người cao tuổi tại điều 16 của dự Luật cũng đã nhận được sự đồng tình của đại đa số các đại biểu. Theo một số đại biểu, vấn đề này chỉ nên quy định mang tính nguyên tắc trong Luật và giao Chính phủ quy định cụ thể về mức giảm và các loại hình dịch vụ được giảm tùy theo thực tế tình hình kinh tế-xã hội, để đảm bảo tính khả thi của Luật.

Một số đại biểu có ý kiến cho rằng cần nghiên cứu kỹ về tính khả thi của dự thảo Luật, vì đây là một đạo luật mang tính xã hội cao, ảnh hưởng đến số lượng lớn đối tượng trong xã hội.
 
Các đại biểu bày tỏ sự quan ngại về tính khả thi đối với quy định giao trạm y tế xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người cao tuổi, cử cán bộ y tế khám, chữa bệnh tại nơi cư trú cho người cao tuổi khuyết tật, cô đơn hay các quy định về việc đào tạo, đào tạo lại cho người cao tuổi.

Các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về các điều khoản quy định về vấn đề phân cấp, nguồn kinh phí hoạt động cho Hội Người cao tuổi Việt Nam. Đại đa số ý kiến của đại biểu phát biểu tại hội trường cho rằng Hội người cao tuổi Việt Nam cần được tổ chức ở 4 cấp và được Nhà nước hỗ trợ về kinh phí hoạt động.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu tổng kết ý kiến của các đại biểu tham gia phát biểu tại hội trường, nhấn mạnh Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận các ý kiến đóng góp của các đại biểu và sẽ có báo cáo giải trình tiếp thu trình Quốc hội trước khi Dự án luật được thông qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục