Trong đó hộ vay trồng cao su (tập trung tại Quảng Bình, Quảng Trị) bị thiệt hại nhiều nhất là 1.909 hộ, diện tích thiệt hại khoảng 11.394 ha với dư nợ là 149 tỷ đồng; ngư dân là 27 hộ ở Quảng Bình, 125 con tàu, thuyền bị thiệt hại, hư hỏng, với dư nợ gần 14 tỷ đồng…
Tổng giám đốc Agribank Trịnh Ngọc Khánh cho biết, nhằm kịp thời giúp đỡ các địa phương, Agribank đã chỉ đạo các Chi nhánh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế tập trung cán bộ chủ động phối hợp với khách hàng tiến hành rà soát, đánh giá thiệt hại các khoản nợ vay của tất cả các khách hàng bị thiệt hại do bão số 10 gây ra.
Theo đó, Ngân hàng sẽ chủ động thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất đối với các khoản nợ vay của khách hàng bị thiệt hại. Điều chỉnh kỳ hạn nợ, gia hạn nợ đối với những trường hợp khách hàng bị thiệt hại chưa trả được nợ đúng hạn nhưng vẫn giữ nguyên nhóm nợ cũ trước khi điều chỉnh.
Ngoài ra, còn xem xét miễn, giảm lãi phải trả đối với khách hàng bị tổn thất lớn về tài sản trên cơ sở khả năng tài chính và chính sách khách hàng của Chi nhánh.
Agribank chi đạo các chi nhánh tập trung vốn tiếp tục cho vay đối với khách hàng có nhu cầu vay mới để sản xuất, kinh doanh hoặc khắc phục hậu quả cơn bão có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi mà không phụ thuộc vào việc khách hàng có dư nợ cũ đã được cơ cấu lại./.