7 ưu tiên chiến lược của NATO trong tương lai

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã đặt ra 7 ưu tiên chiến lược cho những năm tới nhằm tăng cường sức mạnh quân sự và nâng cao khả năng phối hợp, tổ chức lực lượng.
Ngoại trưởng các nước thành viên NATO chụp ảnh chung tại Hội nghị Ngoại trưởng NATO ở Washington, DC, ngày 3/4/2019. (Ảnh: AFP/ TTXVN)
Ngoại trưởng các nước thành viên NATO chụp ảnh chung tại Hội nghị Ngoại trưởng NATO ở Washington, DC, ngày 3/4/2019. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, trong báo cáo thường niên được công bố mới đây, ngoài việc xác định tiếp tục nỗ lực đối thoại với các quốc gia trên toàn thế giới, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã đặt ra 7 ưu tiên chiến lược cho những năm tới nhằm tăng cường sức mạnh quân sự và nâng cao khả năng phối hợp, tổ chức lực lượng.

Nga và chủ nghĩa khủng bố vẫn được xác định là 2 mối đe dọa chính đối với tổ chức này.

1. Thay thế phi đội AWACS (Hệ thống kiểm soát và cảnh báo sớm - có nhiệm vụ chính là phát hiện và cảnh báo các máy bay của đối phương, chỉ huy và phối hợp tác chiến giữa các máy bay chiến đấu).

Phi đội AWACS - biểu tượng của sự hợp tác trong NATO - đã được huy động nhiều trong năm 2018, đặc biệt trong các hoạt động tác chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS). Đến năm 2035, các máy bay do thám này sẽ hết thời hạn sử dụng.

Năm 2019, NATO cần phải gọi thầu để chuẩn bị thay thế các loại máy bay này. Theo lôgíc, điều này sẽ phải kéo theo việc sửa chữa, thay thế toàn bộ hệ thống đi kèm như sân bay, máy bay không người lái…

2. Tiếp tục xây dựng mạng lưới phòng thủ tên lửa NATO đã nỗ lực phối hợp các hệ thống phòng không và chống tên lửa của các quốc gia thành viên, mà phần lớn trong số đó không có sự tương hợp.

Hiện tại, NATO đã thiết lập và đưa vào hoạt động Trung tâm chỉ huy hệ thống phòng thủ tên lửa tại Poggio Renatico, 3 trung tâm khác cũng cần phải nhanh chóng được đưa vào hoạt động.

[Đã đến lúc đánh giá lại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương?]

3. Tăng cường khả năng chiến đấu chống ngầm NATO xác định tăng cường khả năng chống tàu ngầm là một ưu tiên. Vì vậy, tổ chức này đã bắt đầu một loạt cuộc tập trận và tiến hành thử nghiệm công nghệ nhằm xác định tốt hơn và vô hiệu hóa mọi loại ngư lôi.

Trong tương lai gần, thế giới hướng tới việc sử dụng máy bay không người lái bởi đặc tính bí mật và hầu như không bị phát hiện của nó.

4. Đối phó tốt hơn với các mối đe dọa của chiến tranh lồng ghép hay còn gọi là chiến tranh lai (là tập hợp nhiều hoạt động do kẻ thù tiến hành, sử dụng lực lượng quân sự phi truyền thống cùng với sự can dự cùng lúc của các yếu tố dân sự). Giải quyết vấn đề của chiến tranh lồng ghép, bao hàm cả các tác động quân sự ở cấp độ cao tới cấp độ thấp, và ngày càng trở nên tinh vi.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO tại Brussels hồi tháng 7/2018, các quốc gia thành viên NATO đã thống nhất thành lập các nhóm chuyên gia phụ trách nghiên cứu các phương án đáp trả một cuộc tấn công theo hình thức chiến tranh lồng ghép ở quy mô lớn.

Trong số các nỗ lực đưa ra để đối phó với một cuộc chiến tranh lồng ghép có các hướng sau: đảm bảo an toàn nhất cho hệ thống mạng trước các cuộc tấn công tin học; kiểm soát tốt nhất không gian thông tin nhờ vào truyền thông minh bạch và cuối cùng là đảm bảo an ninh tốt nhất cho các mạng viễn thông.

5. Nâng cao năng lực tình báo của NATO Hợp tác về tình báo vẫn là chủ đề nhạy cảm, thậm chí giữa các nước đồng minh thân cận. Năm 2017, NATO đã thành lập một đơn vị tình báo nằm bên trong Bộ Tham mưu của NATO, đảm trách phối hợp trao đổi thông tin tình báo và đưa ra quyết định.

Cơ quan này đã giúp tăng thêm 40% lượng tin tình báo của NATO, chuẩn bị các phương án để đối phó với các mối đe dọa của chiến tranh lồng ghép và chủ nghĩa khủng bố.

Đặc biệt trong năm 2018, các chuyên gia dân sự và quân sự này đã tham gia cuộc điều tra về mưu toan ám sát Sergei Skirpal, cựu sỹ quan tình báo Nga. Trong thời gian tới, lực lượng này sẽ tiếp tục được ưu tiên củng cố, phát triển.

6. Nâng cao lợi thế về công nghệ Để giữ được lợi thế về mặt công nghệ, NATO cần phối hợp với Tập đoàn Tư vấn Công nghiệp NATO.

Trong thời gian tới, các lĩnh vực nghiên cứu quan trọng nhất của NATO là xử lý dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ lượng tử, ôtô tự vận hành và blockchain (công nghệ chuỗi khối là một công nghệ lưu trữ và truyền tải thông tin an toàn dựa vào hệ thống mã hóa rất phức tạp).

7. Coi trọng vai trò của phụ nữ và yếu tố con người để giành chiến thắng trong các cuộc chiến tương lai. Đề cao vai trò của phụ nữ và yếu tố con người được xem là một vấn đề quan trọng trong tăng cường nguồn lực trong NATO.

Phát huy khả năng của nữ giới và yếu tố con người trong các khu vực khủng hoảng sẽ giúp cải thiện khả năng của NATO trong đấu tranh chống khủng bố. Một mô hình huấn luyện chuyên biệt về vấn đề này hiện đang được phát triển./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục