70 năm thanh niên xung phong: Tiếp nối 'ngọn lửa' xung kích tuổi trẻ

Xưa trong chiến đấu, thế hệ thanh niên xung phong là đội quân tiên phong dũng cảm thì nay chính họ đang tiếp lửa cho lớp lớp thanh niên tình nguyện đến những nơi khó khăn để xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
70 năm qua, trên 650.000 nam, nữ thanh niên xung phong đã trực tiếp chiến đấu, lao động sản xuất, vượt mọi khó khăn, hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. (Ảnh minh hoạ: Nguyễn Hoàn/TTXVN)
70 năm qua, trên 650.000 nam, nữ thanh niên xung phong đã trực tiếp chiến đấu, lao động sản xuất, vượt mọi khó khăn, hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. (Ảnh minh hoạ: Nguyễn Hoàn/TTXVN)

Nhìn lại 70 năm kể từ ngày thành lập Đội Thanh niên xung phong công tác theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lực lượng thanh niên xung phong đã không ngừng lớn mạnh, thể hiện sức mạnh và ý chí dời non lấp biển của thế hệ trẻ Việt Nam dù là công cuộc kháng chiến cứu quốc hay xây dựng đất nước. 

Lớp lớp những thế hệ thanh niên xung phong Việt Nam đã lên đường xung kích, trở thành đội quân chủ lực trong công cuộc đổi mới, đi đến những vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo để xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

70 năm bảo vệ và xây dựng Tổ quốc

Cách đây 70 năm, ngày 15/7/1950, Bác Hồ đã giao nhiệm vụ cho Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam tổ chức một Đội thanh niên tập trung dài ngày phục vụ chiến dịch lấy tên là Đội Thanh niên xung phong công tác cho phù hợp với đặc điểm của thanh niên, luôn hăng hái xung phong đi đầu trong mọi nhiệm vụ. Quyết định lịch sử ấy đã khai sinh cho Đội Thanh niên xung phong công tác Trung ương đầu tiên tại núi Hồng, xã Yên Lãng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, gồm ba liên quân đội với 225 cán bộ, đội viên.

Vâng lời Bác dạy: “Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/Đào núi và lấp biển/Quyết chí ắt làm nên,” trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, gần 50.000 cán bộ, đội viên thanh niên xung phong đã hoạt động ngày đêm sát cánh cùng các đơn vị lực lượng vũ trang, giao thông vận tải, dân công, đồng bào các dân tộc Việt Bắc và Tây Bắc mở hàng chục kilômét đường vận chuyển hàng nghìn tấn quân trang, cứu được nhiều xe đạn pháo khi bị máy bay địch vây đánh; rà phá trên 1.000 quả bom mìn, cứu thương và vận chuyển hàng trăm thương binh, bộ đội hy sinh trên chiến trường. Khi chiến dịch diễn ra quyết liệt, đã có hơn 8.000 thanh niên xung phong chuyển sang bổ sung cho quân đội, góp phần quan trọng vào chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Khi đế quốc Mỹ xâm lược nước ta, cả nước sôi sục kháng chiến cứu nước ở miền Bắc và trên mặt trận đường Trường Sơn. Với tinh thần “ba sẵn sàng,” lực lượng thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước với hơn 140.000 cán bộ, chiến sỹ đã có mặt trên khắp mọi tuyến đường, ra trận hăng hái chiến đấu, lao động sáng tạo, học tập và rèn luyện. Họ đã phát huy tinh thần sẵn sàng hy sinh, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mở đường chiến lược vận chuyển quân trang trực chiến, chốt giữ những trọng điểm đánh phá ác liệt, san lấp hố bom, sửa chữa cầu đường, tháo gỡ bom mìn, hướng dẫn xe đi và chiến đấu đảm bảo mạch máu giao thông thông suốt trong mọi tình huống, góp phần quan trọng đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trên mặt trận chiến trường miền Nam, với tinh thần xung phong, Tổng đội Thanh niên xung phong giải phóng miền Nam đã anh dũng, kiên cường cùng bộ đội trên chiến trường tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu vận tải vũ khí, đạn dược, lương thực, vận chuyển thương binh, rà phá bom mìn.

Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, lực lượng thanh niên xung phong chuyển sang thực hiện nhiệm vụ khắc phục hậu quả chiến tranh xây dựng, phát triển kinh tế. Trên 50.000 nam, nữ thanh niên xung phong cả nước đã tiếp bước cha anh lên đường phục vụ của chiến tranh bảo vệ biên cương Tổ quốc; trong đó có gần 13.000 thanh niên xung phong tham gia phục vụ của chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia và trên 36.000 thanh niên xung phong phục vụ của chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc.

Đất nước yên tiếng súng, tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang trong kháng chiến, trên 200.000 thanh niên xung phong đã tình nguyện lên đường, có mặt trên tuyến đầu gian khó nhất, những nơi hoang tàn, đổ nát do chiến tranh phá hoại và các vùng kinh tế, các vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo... Một lần nữa, họ lại phát huy tinh thần xung kích của thanh niên để thực hiện các nhiệm vụ khắc phục hậu quả sau chiến tranh như rà phá bom mìn, làm sạch môi trường; khai hoang, phục hóa làm hồ thủy điện, thủy lợi, phát triển giao thông... Cùng với đó, lực lượng thanh niên xung phong đã tham gia cùng với chính quyền các cấp trong việc sắp xếp ổn định dân cư gắn với việc giáo dục, dạy nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên, làm nhiệm vụ công ích giải quyết những vấn đề cấp bách, khó khăn.

Không những thế, lực lượng thanh niên xung phong còn tích cực thực hiện các chương trình phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ an ninh quốc phòng, xây dựng đất nước trong thời kỳ đổi mới. Nhờ vậy, tổ chức thanh niên xung phong tại các địa phương tiếp tục được củng cố, chuyển đổi mô hình hoạt động phù hợp với tình hình mới.

70 năm thanh niên xung phong: Tiếp nối 'ngọn lửa' xung kích tuổi trẻ ảnh 1Lực lượng thanh niên xung phong luôn tiên phong, dũng cảm, thể hiện sức mạnh và ý chí dời non lấp biển của thế hệ trẻ Việt Nam dù là công cuộc kháng chiến cứu quốc hay xây dựng đất nước. (Ảnh minh hoạ: Hữu Thứ/TTXVN)

Từ đội thanh niên xung phong công tác đầu tiên gồm ba liên đội, đến nay cả nước có 18 tỉnh, thành phố duy trì các đơn vị thanh niên xung phong với 43 đơn vị, hàng ngàn cán bộ, đội viên xung kích thực hiện những nhiệm vụ chính trị khó khăn của địa phương, xây dựng những mô hình phát triển kinh tế xã hội có hiệu quả. Vai trò của Đoàn thanh niên tham gia phát triển kinh tế xã hội ngày càng được khẳng định bằng các chương trình xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, giải quyết việc làm, phát triển thủy sản hay chương trình trồng mới 5 triệu hecta rừng, chương trình Biển Đông, hải đảo...

Có thể liệt kê các công trình tiêu biểu của thanh niên xung phong như xây dựng cầu giao thông nông thôn tại các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long; xây dựng 32 làng hai thanh niên lập nghiệp dọc biên giới; xây dựng 6 đảo thanh niên; tổ chức đào tạo nghề cho học viên sau cai nghiện và các đối tượng xã hội khác...

[Thủ tướng: Phấn đấu hoàn thành việc giải quyết chế độ cho cựu TNXP]

70 năm qua, trên 650.000 nam, nữ thanh niên xung phong đã gắn bó máu thịt với cách mạng trên nhiều mặt trận, phục vụ chiến đấu trực tiếp chiến đấu lao động sáng tạo với tinh thần dũng cảm, hy sinh, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Trên chặng đường gian khó nhưng đầy vẻ vang đó, hơn 6.000 thanh niên xung phong đã anh dũng hy sinh, hơn 40.000 thanh niên xung phong bị thương qua các thời kỳ, trên 14.000 người bị nhiễm chất độc da cam, dioxin... Họ chính là những tấm gương sáng ngời với chí khí anh hùng cách mạng, tinh thần lạc quan cách mạng, cống hiến cả tuổi thanh xuân và máu xương cho Tổ quốc.

Tiếp nối màu áo xanh xung kích

Bằng tầm nhìn sáng suốt, Bác Hồ và Trung ương Đảng đã thấy được tiềm năng, sức mạnh to lớn của thanh niên xung phong. Người đã đặt niềm tin vào thế hệ thanh niên thế anh hùng của dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc và các thế hệ thanh niên xung phong đã không phụ lòng mong mỏi của Người. Xưa trong chiến đấu, thế hệ thanh niên xung phong là đội quân tiên phong dũng cảm thì nay, chính họ đang tiếp lửa cho lớp lớp thế hệ thanh niên tình nguyện, là đội quân chủ lực trong công cuộc đổi mới xung kích, đi đến những vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

70 năm thanh niên xung phong: Tiếp nối 'ngọn lửa' xung kích tuổi trẻ ảnh 2Thanh niên tình nguyện đang san gạt đất sạt lở vào nhà người dân do mưa lũ tại thuyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Ông Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam, chia sẻ: “Ở độ tuổi mười tám đôi mươi, những thanh niên xung phong đã rời tổ ấm gia đình để hòa mình vào cuộc sống tập thể đồng đội, sẻ chia gian khổ và niềm vui để cùng lao động sản xuất, chiến đấu cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Điều này đã trở thành kỷ niệm, dấn ấn đầu đời khó phai và được họ gìn giữ để thành phẩm chất, nhân cách của thanh niên xung phong.”

Qua năm tháng, những thanh niên xung phong ngày ấy giờ đã lên ông, lên bà vẫn tiếp tục phát huy, lan tỏa phẩm chất truyền thống của mình trong gia đình, làng bản, xã hội. Họ vừa nêu gương vừa tham gia các hoạt động vì an ninh Tổ quốc, vì tình làng nghĩa xóm và công tác xã hội mà mặt trận kêu gọi, chính quyền yêu cầu. 

"Có thể nói, điều quan trọng nhất của cựu thanh niên xung phong hiện nay là ‘truyền lửa' xung kích cho các thế hệ trẻ,” ông Vũ Trọng Kim nhấn mạnh.

Viết tiếp bản hùng ca về tinh thần xung phong của tuổi trẻ thế hệ Hồ Chí Minh, trong những năm qua, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều phong trào hành động cách mạng, đặc biệt là phong trào thanh niên tình nguyện. Thông qua phong trào, hàng chục triệu lượt thanh niên đã lên đường tới khắp mọi miền đất nước, chung sức trẻ, vì cộng đồng tham gia phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ Tổ quốc.

Ông Lê Quốc Phong, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, nhận định phong trào thanh niên tình nguyện đã trở thành bài ca của lớp trẻ hôm nay, tiếp nối khúc tráng ca thanh niên xung phong năm nào tiếp tục xung kích, đi đầu trong công cuộc dựng xây đất nước, vừa động viên lực lượng thanh niên tham gia vào các nhiệm vụ phát triển kinh tế, giải quyết những khó khăn cộng đồng, vừa là môi trường sinh động để thanh niên rèn luyện, thử thách, là thực tiễn mang lại những kiến thức, giá trị vốn sống vô cùng phong phú mà không có sách vở nào đem lại được. Màu áo xanh thanh niên tình nguyện tiếp nối màu áo xanh của thanh niên xung phong đã trở nên vô cùng thân thuộc với đồng bào, thanh thiếu nhi cả nước.

“Lực lượng thanh niên xung phong trên cả nước ngày hôm nay sẽ tiếp tục phát huy truyền thống của lớp lớp thế hệ đi trước, luôn giữ ngọn lửa nhiệt tình cách mạng, tiếp tục tiên phong xung kích dấn thân đến những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo, với đôi bàn tay và khối óc đem lại giá trị thành quả to lớn cho xã hội, đất nước. Với tất cả niềm tự hào về lực lượng thanh niên xung phong Việt Nam 70 năm qua, tôi tin tưởng rằng chặng đường mới của thanh niên xung phong Việt Nam sẽ tiếp tục được tiếp nối với những dấu ấn mới và thành công mới,” ông Lê Quốc Phong khẳng định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục