'70% thiết bị Internet vạn vật có nguy cơ bị tấn công mạng'

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng cho biết, hiện nay có khoảng 70% các thiết bị IoT (Internet of things) có nguy cơ bị tấn công mạng.
'70% thiết bị Internet vạn vật có nguy cơ bị tấn công mạng' ảnh 1Giới thiệu giải pháp bảo mật tại Ngày An toàn thông tin 2018. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Dẫn lời các chuyên gia, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng cho biết, hiện nay có khoảng 70% các thiết bị IoT (Internet of things) có nguy cơ bị tấn công mạng.

[Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam có chỉ số an toàn thông tin thấp]

Thông tin trên được ông Hưng đưa ra tại sự kiện Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2018 do Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) chủ trì, phối hợp với Cục An toàn thông tin, VNCERT (Bộ Thông tin và Truyền thông), Bộ Tư lệnh 86 (Bộ Quốc phòng) tổ chức vào ngày 30/11.

Theo ông Hưng, sự phát triển vượt bậc của trí tuệ nhân tạo (AI) đang thực sự là xu thế nóng và áp dụng trong hầu hết các ngành nghề và lĩnh vực an toàn, an ninh mạng cũng không ngoại lệ. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đều dựa vào AI để tăng cường sức mạnh cho sản phẩm của mình cũng như giảm thiểu sai sót của con người.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, AI cũng là công nghệ được giới tội phạm mạng rất quan tâm. Tại diễn đàn Hacker mũ đen thế giới, một số nhà nghiên cứu đã tìm được cách bẻ gẫy hệ thống nhận dạng giọng nói bằng việc tái tạo lại giọng nói dựa trên khoảng 10 phút giọng nói mẫu thu được. Đầu năm 2018, xuất hiện mạng máy tính ma (botnet) có tên Hide and Seek tự tìm cách tấn công vào các thiết bị IoT và tự trao đổi với nhau qua giao thức riêng…

Ông Hưng cho hay, số lượng thiết bị IoT hiện nay khoảng 7 tỷ và ước tính tới năm 2025 là khoảng 21 tỷ, chiếm khoảng 65% tổng số lượng thiết bị kết nối Internet toàn cầu.

“Chuyên gia ước tính hiện khoảng 70% thiết bị IoT có nguy cơ bị tấn công mạng. Đây là nguy cơ rất lớn với toàn thế giới,” ông Hưng nhấn mạnh.

Hiện Việt Nam có khoảng 350.000 thiết bị IoT công khai trên mạng Internet, hầu hết là các camera giám sát, router, trong đó có khoảng 40% thiết bị có khả năng bị ảnh hưởng bới các lỗ hổng an toàn thông tin đã biết.

Theo ông Hưng, Nhìn vào con số trên, có thể thấy được nguy cơ hiện hữu trong thời gian tới là mã độc ngày càng thông minh hơn và môi trường hoàn hảo cho chúng là mạng lưới các thiết bị IoT.

“Đây là một thách thức lớn mà cơ quan nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp và toàn thể cộng đồng tại Việt Nam phải lưu ý, quan tâm xử lý để tránh gây ra những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra,” lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông chốt lại./.

FPT nhận danh hiệu dịch vụ an toàn thông tin tiêu biểu 2018

Tại Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2018, Dịch vụ Giám sát an toàn thông tin cho doanh nghiệp FPT (FPT EagleEye MDR) do Công ty Hệ thống Thông tin FPT (FPT IS) nghiên cứu và xây dựng đã nhận được danh hiệu Dịch vụ An toàn thông tiêu biểu năm 2018.

FPT EagleEye MDR là dịch vụ giám sát an toàn thông tin 24/7, hỗ trợ phát hiện, cảnh báo, điều tra và xử lý sự cố ngay lập tức. Theo đại diện FPT, khi sử dụng dịch vụ doanh nghiệp không cần phải duy trì nguồn lực để giám sát an toàn thông tin mà vẫn đảm bảo hệ thống được bảo mật cao bởi đội ngũ nhân sự có chứng chỉ quốc tế của FPT.

Bên cạnh đó, với dịch vụ này, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm tối đa chi phí đầu tư và trang bị hệ thống bảo mật và hạ tầng giám sát.

Theo ông Dương Dũng Triều, Chủ tịch FPT IS, hầu hết các doanh nghiệp đều ý thức được dữ liệu là nguồn tài sản quý giá, tuy nhiên lại kinh phí đầu tư cho an toàn bảo mật thông tin chưa tương xứng với nhu cầu thực tế. Bên cạnh khó khăn về tài chính, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa có lời giải tối ưu cho bài toán đầu tư, trang bị hệ thống bảo mật phù hợp và xây dựng chiến lược an ninh mạng hiệu quả. Trong khi đó, các cuộc tấn công mạng ngày càng gia tăng về số lượng và quy mô, diễn ra ngày càng tinh vi và phức tạp.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục