700 đại biểu dự Hội nghị cấp cao Báo chí châu Á

Hội nghị cấp cao Báo chí châu Á với chủ đề “Tạo dấu ấn: Vai trò của báo chí trong xã hội hiện nay” diễn ra tại Bangkok, Thái Lan.
Trong hai ngày 29-30/5, Hội nghị cấp cao Báo chí châu Á năm 2012 đã diễn ra tại thủ đô Bangkok, Thái Lan với sự tham dự của hơn 700 đại biểu giới chính trị, giới báo chí cũng như giới học thuật đến từ các khu vực như châu Á-Thái Bình Dương, châu Phi, châu Âu, Bắc Mỹ và Trung Đông.

Chủ đề chính của Hội nghị cấp cao Báo chí châu Á lần này là “Tạo dấu ấn: Vai trò của báo chí trong xã hội hiện nay.”

Phát biểu tại lễ khai mạc, được sự ủy quyền của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc đồng thời là Thư ký chấp hành Ủy ban Liên hợp quốc về Kinh tế xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương (UNESCAP), tiến sỹ Noeleen Heyzer, đã đề xuất chương trình hành động 5 điểm kêu gọi các cơ quan thông tin đại chúng châu Á-Thái Bình Dương sử dụng mọi kỹ năng và các nguồn lực để góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa phát triển bền vững, thách thức lớn nhất của khu vực, đồng thời đảm bảo nhiều người hơn nữa được hưởng các lợi ích của phát triển.

Tiến sỹ Heyzer cho rằng các cơ quan thông tin đại chúng không thể đứng ngoài mà cần tập trung tuyên truyền về phát triển bền vững, góp phần định hình thái độ và hành động vì tương lai tốt đẹp hơn.

Các cơ quan thông tin đại chúng châu Á-Thái Bình Dương cần chủ động tham gia trực tiếp hơn, dành nhiều nguồn lực hơn và nâng cao năng lực của các nhà báo trong tuyên truyền cho phát triển bền vững.

Châu Á-Thái Bình Dương hiện còn bị tụt hậu 10 trong số 22 chỉ số thực hiện các MDG và các cơ quan thông tin đại chúng có vai trò quan trọng thúc đẩy thành công, đổi mới và vượt qua các thách thức để thu hẹp các khoảng cách phát triển giữa các nước trong khu vực.

Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Chiến dịch của Liên hợp quốc thúc đẩy các MDG, Minar Pimple, nhấn mạnh trong giai đoạn cuối cùng của tiến trình thực hiện các MDG, các cơ quan thông tin đại chúng có vai trò quan trọng cùng công luận thúc đẩy các chính phủ các nước chuyển nhanh những hứa hẹn thành hành động cụ thể.

Các nhà báo trong khu vực cần sẵn sàng đóng vai trò tích cực hơn trong các nỗ lực theo định hướng này, cũng như tham gia cuộc tranh luận toàn cầu hiện đã bắt đầu về chương trình nghị sự phát triển sau MDG, chương trình chính sách công, sự khẩn cấp của việc đẩy nhanh tiến triển của tiến trình thực hiện các MDG.

Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) Irina Bokova trong bài phát biểu qua truyền hình tại lễ khai mạc cũng nhấn mạnh vai trò kiến tạo của truyền thông đối với xã hội, chính trị, kinh tế. Bà cho rằng cho dù là báo chí công hay báo chí xã hội đang trưởng thành nhanh chóng đều phát huy vai trò quan trọng đối với phát triển bền vững toàn cầu.

Tổng Thư ký Ban Ki-moon cho rằng Hội nghị cấp cao Báo chí châu Á đã trở thành diễn đàn quan trọng để những người làm công tác truyền thông, nhân sỹ chính trị, học giả và bên có lợi ích liên quan khác tiến hành trao đổi ý tưởng mới nhất và kinh nghiệm thực tiễn tối ưu. Trong quá trình phát triển xã hội, một số sự kiện hết sức quan trọng nhưng lại không được coi trọng xứng đáng, nhưng báo chí có thể thay đổi hiện tượng này./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục