700.000ha lúa tại ĐBSCL bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn

Nước mặn xâm nhập sâu cùng nắng hạn cũng gay gắt hơn tại ĐBSCL sẽ khiến khoảng 700.000ha lúa Hè Thu bị ảnh hưởng.

Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, từ tháng 3-5, nước mặn xâm nhập sâu từ 40-50km cùng với nắng hạn cũng gay gắt hơn tại Đồng bằng sông Cửu Long sẽ khiến 600.000-700.000ha lúa Hè Thu xuống giống bị ảnh hưởng.

Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tác hại của hạn, mặn, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã chọn các giống thích ứng với biến đổi khí hậu do xâm nhập mặn, hạn hán, kháng bệnh đồng thời tăng sử dụng các giống lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu.

Các tỉnh cũng tăng diện tích lúa áp dụng biện pháp “một phải năm giảm” nhằm thích nghi tốt với tình trạng thiếu nước ngọt sản xuất; chuẩn bị đủ lượng lúa giống cung ứng cho nông dân sản xuất vụ hè thu cũng như chủ động dự trữ lượng lúa giống cần thiết đề phòng phải gieo sạ lại.

Song song đó, các tỉnh triển khai công tác phòng chống hạn, xâm nhập mặn đang gia tăng dần, quản lý chặt việc vận hành các cống đầu mối trong việc ngăn mặn, trữ nước ngọt trong nội đồng...

Theo Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, hiện tỉnh Bến Tre đã đắp 13 đập tạm ngăn nước mặn xâm nhập, nâng cấp hàng chục công trình thủy lợi, nâng cao năng lực tưới tiêu tại huyện Châu Thành, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, Bình Đại, Ba Tri, Giồng Trôm. Về lâu dài, Bến Tre hoàn chỉnh các hạng mục còn lại thuộc dự án ngọt hóa vùng Bắc Bến Tre để bảo vệ vùng lúa trọng điểm của huyện Ba Tri và Giồng Trôm.

Tỉnh Tiền Giang tổ chức đắp 173 đập tạm, 178 điểm bơm chuyền, nạo vét 146 tuyến kênh nội đồng bị cạn. Tỉnh Đồng Tháp, Long An nạo vét 72 công trình thủy lợi, cấp nước cho 37.000ha lúa chịu ảnh hưởng của hạn, mặn.

Sóc Trăng tăng cường vận hành hệ thống thủy lợi bảo vệ lúa và màu thực phẩm tại huyện Long Phú và Ngã Năm, Thạnh Trị. Tỉnh Trà Vinh điều tiết công trình thủy lợi ngăn mặn Nam Mang Thít hợp lý, hạn chế nước mặn xâm nhập nội đồng và dẫn nước từ sông Tiền và sông Hậu đưa vào nội đồng.

Tỉnh Hậu Giang, Vĩnh Long nạo vét, nâng cấp hàng chục truyến kênh nội đồng, cấp đủ nước tưới cho 38.000ha đất lúa, vườn cây ăn quả chịu ảnh hưởng của hạn, mặn, tập trung tại huyện Long Mỹ, Châu Thành, Châu Thành A, Phụng Hiệp, Vị Thủy, Vũng Liêm, Trà Ôn.

Vụ Hè Thu 2014, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có kế hoạch xuống giống gần 1,7 triệu ha, chia làm ba đợt. Đợt một xuống giống trong tháng Tư với diện tích 800.000ha; đợt hai xuống giống trong tháng Năm, diện tích 600.000ha. Phần diện tích còn lại xuống giống trong tháng Sáu. Hiện toàn vùng đã xuống giống được 130.000ha lúa Hè Thu sớm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục