72 năm thành lập Hội Nhà báo VN: Về nguồn theo hình thức trực tuyến

Diễn đàn nhằm ôn lại truyền thống của tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam, để các điểm cầu 63 tỉnh thành phố đều có thể cùng hướng về nguồn nơi thành lập Hội nhà báo Việt Nam.
72 năm thành lập Hội Nhà báo VN: Về nguồn theo hình thức trực tuyến ảnh 1Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi (giữa) chủ trì diễn đàn. (Ảnh: Hà Nội Mới )

Tháng Tư về, những người làm báo lại bồi hồi nhớ về nơi ra đời Hội Nhà báo Việt Nam. Cách đây tròn 72 năm, vào ngày 21/4/1950, tại xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Hội những người viết báo nay là Hội Nhà báo Việt Nam đã chính thức thành lập.

Nhân dịp này, ngày 18/4, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan của tỉnh Thái Nguyên tổ chức diễn đàn trực tuyến “Trở về Thủ đô gió ngàn: Báo chí đồng hành cùng Thái Nguyên phát triển.”

Diễn đàn nhằm ôn lại truyền thống của tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam đồng thời cũng là dịp để báo chí cả nước hướng về Thái Nguyên, tuyên truyền những thành tựu phát triển kinh tế và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần 20 nhiệm kỳ 2020-2025; kỷ niệm 191 năm thành lập tỉnh Thái Nguyên.

Chương trình hướng về nguồn qua hình thức trực tuyến, để các điểm cầu 63 tỉnh thành phố đều có thể cùng hướng về nguồn nơi thành lập Hội nhà báo Việt Nam, để các hội viên ở xa hiểu biết hơn về truyền thống Hội. Diễn đàn trực tuyến cũng giúp tiết kiệm trong công tác tổ chức, đồng thời hưởng ứng quyết tâm chuyển đổi số của Hội Nhà báo Việt Nam.

72 năm thành lập Hội Nhà báo VN: Về nguồn theo hình thức trực tuyến ảnh 2Đoàn đại biểu Thông tấn xã Việt Nam tại Khu di tích lịch sử quốc gia "Địa điểm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam" năm 2021. (Ảnh: TTXVN)

Phát biểu tại diễn đàn, nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết diễn đàn là cơ hội để các đại biểu ôn lại truyền thống xây dựng, trưởng thành của Hội Nhà báo Việt Nam; thăm trực tuyến Nhà trưng bày của Hội Nhà báo Việt Nam, nơi lưu giữ những kỷ vật, bức ảnh về các hoạt động Hội qua các thời kỳ từ khi thành lập đến nay.

Thông qua chương trình này, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đề nghị các cấp Hội phát huy truyền thống của các thế hệ đi trước, không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động Hội, đồng thời quan tâm việc bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của hội viên, của người làm báo cả nước.

Nhà báo Lê Quốc Minh nói thêm rằng diễn đàn cũng là dịp để các cấp Hội trên cả nước tiếp tục thực hiện thật tốt nghị quyết Đại hội lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam đã đề ra, với phương châm "Đoàn kết-Kỷ cương-Đổi mới-Sáng tạo-Phát triển." Đây là động lực và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, sẽ định hướng cho các cấp Hội thực hiện tốt công tác tuyên truyền nói chung và công tác Hội nói riêng.

Tại điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh, nhà báo Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết ông rất ấn tượng với Khu di tích lịch sử quốc gia "Địa điểm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam" bởi nơi này gợi lên cảm xúc về một thời kỳ lịch sử hào hùng của người làm báo cách mạng.

[Phấn đấu để Hội Nhà báo VN là "ngôi nhà chung ấm áp" của các hội viên]

"Thời điểm đó, một số cán bộ trong đoàn đi cũng đưa ra ý kiến đề xuất có thể tổ chức trao thẻ hội viên ngay tại khu di tích này, hội viên được nhận thẻ tại đây có thể xem là kỷ niệm sâu sắc trong đời người làm báo. Việc kết hợp đến thăm và trao thẻ hội viên ở đây nhằm thể hiện tình cảm đối với nơi khởi nguồn của hội. Đồng thời khẳng định được sự tiếp nối truyền thống của các thế hệ người làm báo," nhà báo Trần Trọng Dũng chia sẻ.

Chia sẻ tại diễn đàn, nhà báo Trương Văn Chuyển, Tổng biên tập báo Cần Thơ, Chủ tịch Hội Nhà báo Cần Thơ khẳng định diễn đàn là một hoạt động sáng tạo, hấp dẫn của Hội Nhà báo Việt Nam.

“Trong thời gian qua, các Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố khu vực Nam sông Hậu ít có điều kiện để đi và thăm các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là nơi địa điểm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam. Qua diễn đàn này chúng tôi biết thêm nhiều về quá trình hình thành và phát triển di tích lịch sử nơi làm việc của Hội, từ đó càng thêm tự hào về truyền thống lịch sử của Hội Nhà báo Việt Nam,” ông nói.

Phát biểu bế mạc diễn đàn, nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà Báo Việt Nam cho biết việc tổ chức hành trình về nguồn là hoạt động thường niên của Hội Nhà báo Việt Nam, mang nhiều ý nghĩa thiết thực, góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ cán bộ, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam hôm nay, từ đó phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, đóng góp tích cực xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam giàu tính chiến đấu, nhân văn, chuyên nghiệp và hiện đại./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục