75 năm Thông tấn xã Việt Nam: Giữ lửa thông tấn giữa châu Phi

Hàng loạt tin bài bằng tiếng Anh của Thông tấn xã Việt Nam đã được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng tại Nam Phi, qua đó giúp dư luận nước sở tại hiểu rõ hơn, đúng hơn về Việt Nam.
Phóng viên Cơ quan thường trú Pretoria tác nghiệp tai một sự kiện do Đại sứ quán tổ chức. (Ảnh: Phi Hùng/Vietnam+)
Phóng viên Cơ quan thường trú Pretoria tác nghiệp tai một sự kiện do Đại sứ quán tổ chức. (Ảnh: Phi Hùng/Vietnam+)

Chị Vũ Tuyết Lê dành hai ngày làm bánh bích quy tặng Cơ quan thường trú Pretoria nhân dịp 75 năm thành lập Thông tấn xã Việt Nam.

Chị bảo làm sớm rồi mang đến trước mấy ngày để chị em còn có thời gian ngồi hàn huyên với nhau, chứ đúng hôm kỷ niệm 15/9, thế nào anh em phóng viên cũng bận rộn tiếp khách.

Là người Việt đầu tiên định cư tại Nam Phi từ hai thập niên trước, chị Lê gắn bó với Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam ngay từ những ngày đầu thành lập, chứng kiến từng bước thăng trầm và phát triển của Cơ quan thường trú trong ngót 20 năm qua.

Nhiều năm rồi, cứ tháng Chín hằng năm, người phụ nữ gốc Hà thành đều tặng bánh bích quy, mà chị chủ ý chế biến theo công thức và hình dáng làm gợi nhớ những sản phẩm do nhà máy bánh kẹo Hải Châu sản xuất trong những năm bao cấp. Chị nói tặng bánh này vì cảm thấy anh em Thông tấn xã Việt Nam là những người sống tình cảm cùng nhiều hoài niệm.

Chị nhớ lại những ngày đầu tiếp xúc với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam khi Cơ quan thường trú thành lập năm 2003, đó là những người đàn ông thật giản dị, chân thành và đầy nhiệt huyết, tương tự như những con người thông tấn mà chị đã từng gặp từ thuở bé, quãng thời gian mà chị còn ở ngôi nhà số 31 Lê Thánh Tông sát trụ sở Thông tấn xã Việt Nam tại Hà Nội.

Chị bảo, cái chất thông tấn của các em luôn "toát’" ra ngoài, không thay đổi theo thời gian, không gian hay hoàn cảnh, từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Thời gian đầu mới sang định cư tại mảnh đất xa xôi cực Nam châu Phi này, chị Lê rất vất vả vì phải nuôi con nhỏ, chồng ở xa trong khi cộng đồng người Việt tại đây gần như chưa có ai.

Cũng trong giai đoạn đó, mặc dù mới "chân ướt chân ráo" sang mảnh đất này như chị, nhưng các phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã luôn hết mình hỗ trợ mẹ con chị, từ những công việc hằng ngày cho đến đi tìm thuê nhà mới và chuyển đồ đạc. Có những ngày chị ốm, nhà thuê mất điện, chị đã đưa con sang Cơ quan thường trú để các cháu học bài.

75 năm Thông tấn xã Việt Nam: Giữ lửa thông tấn giữa châu Phi ảnh 1Phóng viên Cơ quan thường trú Pretoria phỏng vấn người dân Nam Phi. (Ảnh: Phi Hùng/Vietnam+)

Cũng từ thời gian đó, chị Lê đã coi anh em phóng viên như người thân trong gia đình, chị luôn xuất hiện trong những sự kiện quan trọng của cơ quan, cũng như chia sẻ niềm vui nỗi buồn với mọi thành viên của Cơ quan thường trú.

Chị kể rằng những năm sau đó, khi số lượng người Việt sang Nam Phi định cư tăng lên, Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam đã đóng vai trò như cầu nối gắn kết cộng đồng, cùng Đại sứ quán Việt Nam lập ra những hội đoàn cho người Việt như hội thanh niên, hội phụ nữ. Đó là nền tảng quan trọng để có được một cộng đồng người Việt vững mạnh và đoàn kết như ngày nay.

Trong mắt nhiều vị đại sứ Việt Nam tại châu Phi, Thông tấn xã Việt Nam không chỉ là địa chỉ tin cậy để truyền tải tin tức về hoạt động của các cơ quan đại diện, các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, mà còn đóng vai trò là kênh thông tin đối ngoại chủ chốt, mang thông tin về Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, qua đó ngày càng thắt chặt mối quan hệ vốn đã rất tốt đẹp giữa Việt Nam và các quốc gia châu Phi.

[TTXVN nỗ lực sáng tạo không ngừng cho dòng tin chính thống chảy mãi]

Sang nhận công tác được một thời gian ngắn thì đại dịch COVID-19 ập đến, Đại sứ Việt Nam tại Nam Phi Hoàng Văn Lợi đã gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai các kế hoạch công tác do nước bạn áp dụng lệnh phong tỏa nghiêm ngặt và hầu hết các cơ quan công quyền đã buộc phải đóng cửa để ngăn đà lây lan của đại dịch thế kỷ này.

Trong bối cảnh đó, Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam đã đưa ra nhiều đề xuất nhằm đổi mới và đẩy mạnh công tác thông tin đối ngoại của Đại sứ quán nhằm phản ánh kịp thời chủ trương, chính sách phát triển kinh tế-xã hội và chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, những thành tựu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Những đề xuất của Cơ quan thường trú đã được Đại sứ hoan nghênh và ngay sau đó được triển khai thông qua sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan đại diện Việt Nam tại Nam Phi. Hàng loạt tin bài bằng tiếng Anh do Thông tấn xã Việt Nam và Đại sứ quán phối hợp cung cấp đã được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng tại Nam Phi, qua đó giúp dư luận nước sở tại hiểu rõ hơn, đúng hơn về Việt Nam, thu hút sự quan tâm và gây ấn tượng tốt đẹp với bạn bè quốc tế về Việt Nam.

Không chỉ được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều sản phẩm thông tin của Thông tấn xã Việt Nam đã được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội tại Nam Phi, mang đến hình ảnh một đất nước Việt Nam hòa bình, ổn định, đổi mới, phát triển năng động, là điểm đến an toàn và tin cậy của các nhà đầu tư.

75 năm Thông tấn xã Việt Nam: Giữ lửa thông tấn giữa châu Phi ảnh 2Lần đầu tiên trong lịch sử, xe công thuộc sở hữu Thông tấn xã Việt Nam cũng như đại diện ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài được đăng ký biển số mang tên thuần Việt của cơ quan chủ quản. (Ảnh: Phi Hùng/Vietnam+)

Đánh giá cao về những đóng góp của Cơ quan thường trú, Đại sứ Hoàng Văn Lợi nhấn mạnh sự sáng tạo, tính chuyên nghiệp và nhiệt huyết của đội ngũ phóng viên thường trú Thông tấn xã Việt Nam đã không chỉ giúp đẩy mạnh thông tin tại địa bàn về nước, mà còn nâng công tác thông tin đối ngoại lên một tầm cao mới. Đại sứ cho rằng cá nhân ông cũng như các cơ quan đại diện Việt Nam khác tại Nam Phi đã may mắn khi có cơ hội cộng tác với các phóng viên của Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam.

Trong nhiệm kỳ công tác, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Tanzania Nguyễn Kim Doanh nhớ chi tiết từng lần phóng viên Cơ quan thường trú Pretoria lặn lội hàng nghìn km từ Nam Phi sang địa bàn để đưa tin. Đó là những chuyến đi mà mỗi ngày phóng viên chỉ được ngủ đôi ba tiếng, ban ngày đi theo đoàn lấy tin, đêm thức đến gần sáng để xử lý tin bài, ảnh và truyền hình gửi về Việt Nam kịp thời.

Nhiều lần, tại nhà khách của đại sứ quán, chính tay Đại sứ và phu nhân đã chuẩn bị bữa ăn đêm để phóng viên lấy sức làm việc. Có lần Đại sứ còn dùng chính khẩu hiệu của Thông tấn xã Việt Nam để nói một cách thân mật rằng “Thôi để dòng tin tạm ngưng ít phút mà ăn đi em."

Chuyến công tác nào, Đại sứ cũng đích thân ra tận sân bay đón anh em phóng viên cũng như đi tiễn sau chuyến công tác cùng những túi quà cho Cơ quan thường trú, khi là rau trong vườn nhà, khi là bánh gạo đặc sản của Tanzania.

Những tình cảm yêu quý và sự tin cậy của các đại sứ hay của những người Việt Nam định cư ở châu Phi như chị Lê cũng chính là một nguồn động lực để anh em phóng viên Cơ quan thường trú tại Nam Phi luôn nhiệt tình, dấn thân, giữ ngọn lửa đam mê và trách nhiệm của người phóng viên Thông tấn xã Việt Nam.

Chẳng thế mà ông Kirtan Bhana, Tổng Biên tập Diplomatic Society, tờ báo đối ngoại hàng đầu tại Nam Phi, người hơn 10 năm phối hợp chuyên môn chặt chẽ với Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam, luôn có ấn tượng đặc biệt về năng lực chuyên môn, phong cách chuyên nghiệp cũng như sự thân thiện của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại địa bàn.

Nhà báo kỳ cựu này nhận định rằng tuy mỗi nhiệm kỳ chỉ có hai phóng viên, nhưng Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam luôn bao quát rất tốt tin tức không chỉ ở Nam Phi, mà trên toàn châu lục, việc mà không phải văn phòng báo chí nước ngoài sở tại nào cũng có thể làm được.

Nhà báo Bhana cũng cho rằng Nam Phi nói riêng và châu Phi nói chung vẫn còn rất nhiều dư địa để Thông tấn xã Việt Nam tiếp tục "vươn ra," tiếp tục mở rộng phạm vi hoạt động để ngày một xứng tầm hơn với nền tảng sẵn có mà các thế hệ phóng viên Cơ quan thường trú đã gây dựng, cũng như tiếp tục nâng cao vị thế của Thông tấn xã Việt Nam trong khu vực và trên thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục