8 loại hình làng nghề sẽ được khắc phục ô nhiễm

Các làng nghề gây ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe và phát triển kinh tế xã hội sẽ được hỗ trợ kinh phí khắc phục.
Ngày 7/2, tại Hà Nội, Tổng Cục Môi trường (Bộ Tài Nguyên và Môi trường) đã báo cáo nội dung chuẩn bị cho Chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục và cải thiện ô nhiễm môi trường.

Theo đó 8 loại hình làng nghề gây ô nhiễm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng sẽ được xây dựng các dự án thí điểm xử lý, khắc phục ô nhiễm môi trường.

Dự kiến mức kinh phí cho các dự án này lên tới 1400 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Minh Quang, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết: "Chương trình sẽ tập trung vào các cơ sở làng nghề hoạt động có mức gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và phát triển kinh tế xã hội như: sản xuất và tái chế giấy, giết mổ gia súc, tái chế kim loại, tái chế nhựa, dệt nhuộm, chế biến lương thực thực phẩm, làng nghề chế biến nông sản thực phẩm kết hợp chăn nuôi, làng nghề chế biến đồ mỹ nghệ từ da, xương trâu, bò. Đồng thời tập trung xây dựng các dự án thí điểm xử lý, khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường cho 14 làng nghề tại các tỉnh, thành phố, gồm: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Bình Dương."

Đối với 100 khu vực môi trường bị ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu gây ra, sẽ tập trung xử lý, khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường tại các tỉnh, thành phố Lạng Sơn, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh Quảng Bình, Quảng Trị.

Ba lưu vực sông Nhuệ - Đáy, sông Cầu và hệ thống sông Đồng Nai, sẽ xây dựng các dự án thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt, tập trung cho các khu đô thị loại II trở lên bao gồm các tỉnh, thành phố Nam Định, Thái Nguyên, Hải Dương, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Biên Hòa, Đà Lạt, Vũng Tàu.

Ngoài ra những cơ sở làng nghề có quy mô hoạt động nhỏ và có đủ khả năng chi trả cho việc xử lý ô nhiễm phải tự có biện pháp xử lý. Tuy nhiên với quy định này sẽ có rất ít cơ sở làng nghề tự giác áp dụng các biện pháp xử lý ô nhiễm đảm bảo theo quy định của nhà nước.

Bộ Tài Nguyên và Môi trường sẽ triển khai chương trình trên phạm vi toàn quốc trong năm 2012 với hai dự án, đó là: Dự án khắc phục ô nhiễm cải thiện môi trường chế biến nông sản thực phẩm kết hợp chăn nuôi, làng nghề chế biến đồ gỗ mỹ nghệ từ da, xương trâu bò và dự án khắc phục ô nhiễm cải thiện môi trường với các loại hình làng nghề còn lại./.

Lý Thanh Hương (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục