"80% nguyên nhân gây mù lòa có thể phòng, tránh"

Tỷ lệ dân bị mù lòa tại VN chiếm khoảng 0,6% dân số, nhưng các chuyên gia cho rằng trên 80% nguyên nhân gây bệnh có thể phòng, tránh.
Hội nghị thường niên về Phòng chống mù lòa và Khoa học kỹ thuật ngành Mắt Việt Nam năm 2012 đã diễn ra sáng 12/10 tại Hà Nội.

Hội nghị ngành mắt năm 2012 có sự tham dự của trên 600 đại biểu là các bác sỹ nhãn khoa, phẫu thuật viên… trên toàn quốc cùng nhiều chuyên gia nhãn khoa và các tổ chức quốc tế đến từ các nước Pháp, Mỹ, Nhật, Đức, Singapore, Thái Lan, Philippines, Lào...

Phó giáo sư Ðỗ Như Hơn, Phó trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống mù lòa (Bộ Y tế), Giám đốc Bệnh viện Mắt trung ương cho biết, hiện nay tỷ lệ mù lòa ở Việt Nam còn khá cao, chiếm 0,6% trong toàn dân số.

Theo số liệu điều tra gần đây cho thấy, cả nước có khoảng 400.000 người mù hai mắt và nếu tính mù một mắt thì cả nước có tới 2 triệu người, chưa kể hàng năm số người mù mắc mới lên đến hàng trăm nghìn người và tỷ lệ mù tồn đọng mỗi năm lên tới 150.000 người.

Điều tra trên cũng cho thấy nguyên nhân gây mù chính hiện nay là bệnh đục thể thủy tinh, chiếm 66% nguyên nhân gây mù. Thứ hai là mù do các bệnh đáy mắt, bệnh glôcôm...

Ông Hơn nhấn mạnh, đáng lưu ý là trong số những nguyên nhân gây mù hiện nay có tới trên 80% là có thể phòng và chữa được.

Qua điều tra cho thấy, có tới trên 30% số người mù lòa không biết bệnh mình có thể chữa trị được và chữa ở đâu, gần 1/3 số người mù không có tiền để chữa trị.

Tại hội nghị, có 102 báo cáo phòng chống mù lòa và đề tài nghiên cứu khoa học - một số lượng đề tài báo cáo lớn nhất trong các hội nghị ngành mắt những năm gần đây.

Trong phần thảo luận hoạt động phòng chống mù lòa ở Việt Nam, có 14 báo cáo về một số vấn đề trọng tâm của phòng chống mù lòa và mục tiêu thị giác 2020. Trong đó có một số vấn đề được nhiều người quan tâm như: đánh giá quặm mắt hột gây mù ở Thanh Hóa; phẫu thuật đục thủy tinh thể ở cộng đồng; ứng dụng mô hình quản lý bệnh nhân mắc glôcôm tại Nam Định; vấn đề khúc xạ và đào tạo khúc xạ tại Việt Nam...

Hội nghị dành phần lớn thời gian cho lĩnh vực nghiên cứu và phát triển khoa học kỹ thuật trong nhãn khoa. Lĩnh vực này gồm có 88 đề tài nghiên cứu chuyên sâu của các chuyên gia nhãn khoa trong nước và quốc tế, đề cập đến nhiều vấn đề quan trọng trong nhãn khoa hiện nay, được chia thành 7 chuyên đề chính: glôcôm; kết mạc-giác mạc; dịch kính-võng mạc; mắt trẻ em và lĩnh vực điều dưỡng mắt; chấn thương mắt; phẫu thuật tạo hình; khúc xạ.

Trong thời gian hội nghị, diễn ra các hoạt động triển lãm giới thiệu những thành tựu nhãn khoa trong nước và trên thế giới, với sự tham gia của các tổ chức quốc tế, các tập đoàn dược phẩm và thiết bị nhãn khoa trong, ngoài nước./.

 
Thùy Giang (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục